Nhựa sử dụng một lần là loại nhựa phổ biến nhất.
Theo CNBC, các nhà nghiên cứu cho biết cho biết sản lượng nhựa sử dụng một lần sẽ tăng 30% trong 5 năm tới. Điều này thúc đẩy sự đóng góp của rác thải nhựa vào sự nóng lên toàn cầu và ô nhiễm đại dương.
Nhựa sử dụng một lần sẽ tăng 30% trong 5 năm tới
Lần đầu tiên được phát hành, Chỉ số Rác thải nhựa cho thấy một nửa lượng nhựa dùng một lần được sản xuất bởi 20 công ty, chủ yếu là những gã khổng lồ năng lượng và hóa chất. Những công ty này là nguồn cung cấp một nửa lượng rác thải nhựa sử dụng một lần trên thế giới.
Chỉ số Rác thải nhựa do quỹ từ thiện Minderoo trụ sở tại Australia công bố ngày 19.5 cho thấy phần nhiều nhựa dùng một lần được tạo ra bởi số ít công ty. Các loại nhựa dùng một lần phổ biến là khẩu trang, thiết bị y tế, túi nilon, cốc cà phê hay màng bọc thực phẩm… Chúng có điểm chung là đều được tạo ra từ nhiên liệu hóa thạch và vô cùng khó phân hủy.
Vào năm 2019, 130 triệu tấn nhựa sử dụng một lần đã bị vứt bỏ trên khắp thế giới, trong đó, 35% rác thải nhựa được đốt cháy, 31% được chôn trong các bãi chôn lấp được quản lý và 19% bị đổ trực tiếp trên đất liền hoặc ra đại dương.
Chỉ số này đã sử dụng một loạt các nguồn dữ liệu để theo dõi dòng chảy của vật liệu nhựa sử dụng một lần trong vòng đời của chúng từ sản xuất, chuyển đổi, tiêu thụ và xử lý.
ExxonMobil đứng đầu chỉ số các nhà sản xuất polyme tạo ra chất thải nhựa sử dụng một lần, đóng góp 5,9 triệu tấn vào năm 2019.
Chia sẻ mối quan tâm của xã hội về rác thải nhựa các chuyên gia đều đồng ý rằng để vấn đề này được giải quyết, đòi hỏi một nỗ lực hợp tác giữa doanh nghiệp, chính phủ, các nhóm xanh và người tiêu dùng.
ExxonMobil đang hành động để giải quyết chất thải nhựa bằng cách tăng khả năng tái chế, hỗ trợ các nỗ lực thu hồi nhiều chất thải nhựa hơn và nghiên cứu các giải pháp tái chế tiên tiến có thể giúp giảm lượng khí thải nhà kính liên quan đến các sản phẩm.
Báo cáo cho biết gần 60% nguồn tài chính thương mại cho ngành nhựa dùng một lần đến từ 20 ngân hàng toàn cầu đã cho vay gần 30 tỉ USD để sản xuất polyme kể từ năm 2011.
Cuộc khủng hoảng khí hậu và rác thải nhựa
Cựu Phó Tổng thống Mỹ Al Gore cho biết: cuộc khủng hoảng khí hậu và rác thải nhựa đang “ngày càng hòa quyện vào nhau”, với bầu không khí được xử lý như một “cống mở” cho khí thải đốt nóng hành tinh và đại dương giống như một “bãi rác lỏng” cho rác thải nhựa.
Nhưng khi các ngành điện và vận tải chuyển sang năng lượng sạch, các công ty khai thác và bán nhiên liệu hóa thạch đang “tranh giành để mở rộng ồ ạt” thị trường hóa dầu của họ, 3/4 trong số đó là sản xuất nhựa.
Ông Al Gore nói thêm: “Vì hầu hết nhựa được làm từ dầu và khí đốt nên việc sản xuất và tiêu thụ nhựa đang trở thành động lực quan trọng của cuộc khủng hoảng khí hậu. Điều đó đã tạo ra lượng khí thải nhà kính ở quy mô tương đương với một quốc gia lớn”.
Các ước tính học thuật về lượng khí thải carbon của nhựa đã chỉ ra toàn bộ vòng đời của nhựa sử dụng một lần chiếm khoảng 1,5% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu vào năm 2019, trong đó polyme đóng góp chính.
Trên con đường tăng trưởng hiện tại, nhựa sử dụng một lần có thể chịu trách nhiệm cho 5-10% lượng khí thải nhà kính hàng năm vào năm 2050 nếu thế giới đáp ứng mục tiêu của Thỏa thuận Paris về hạn chế sự nóng lên toàn cầu xuống dưới 2 độ C.
Quỹ Minderoo kêu gọi các ngân hàng và nhà đầu tư chuyển tiền của họ khỏi các công ty sản xuất nhựa nguyên sinh mới dựa trên nhiên liệu hóa thạch sang những công ty sử dụng nguyên liệu nhựa tái chế.
Giáo sư kinh tế và chính sách về biến đổi khí hậu Sam Fankhauser tại Đại học Oxford cho biết: việc làm rõ vai trò của các công ty khác nhau trong chuỗi giá trị nhựa là rất quan trọng vì hầu hết áp lực cho đến nay đều tập trung vào các nhà bán lẻ. Cụ thể, một chiếc túi nhựa không hiển thị tên của công ty hóa dầu sản xuất thành phần chính của nó mà là siêu thị có hàng hóa được thiết kế để mang theo.
Trước đây, các nhà hoạt động môi trường đã đổ lỗi cho rác thải nhựa tại các công ty như PespiCo và Coca-Cola. Tuy nhiên, nhóm các công ty hóa dầu mới thực sự là nguồn gốc của cuộc khủng hoảng – một cuộc khủng hoảng gây ra những hậu quả tàn phá về sinh thái, xã hội và môi trường.
Ông Sam Fankhauser nói thêm: các công ty và ngân hàng có tham gia vào sản xuất hoặc tài trợ cho nhựa sử dụng một lần, có thể khuyến khích người tiêu dùng và sau đó là các cổ đông bằng việc bắt đầu thúc đẩy hành động với biến đổi khí hậu.