Phát hiện mới và khả năng mở rộng phạm vi phân bố của loài Thỏ vằn Trường Sơn ở Việt Nam

Các nhà khoa học thuộc Viện nghiên cứu Vườn thú và Động vật hoang dã Leibniz (IZW), Viện sinh thái học Miền Nam (SIE) mới đây đã báo cáo những ghi nhận đầu tiên về loài Thỏ vằn Trường Sơn (Nesolagus timminsi) tại Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà thuộc dãy Nam Trường Sơn.

Đây là phần mở rộng to lớn so với phạm vi đã biết trước đây của loài vốn chỉ bao phủ từ khu vực phía Bắc tới trung tâm dãy núi.

Thỏ vằn Trường Sơn là loài động vật gặm nhấm đặc hữu sống trong các khu rừng thường xanh ẩm ướt ở Việt Nam và Lào.

Loài vật sống về đêm và sống đơn độc này mới chỉ được khoa học phát hiện vào những năm 1990 nên nhiều thông tin về hệ sinh thái và sự phân bố của chúng đến nay vẫn còn là dấu hỏi.

Phát hiện mới về khả năng mở rộng phạm vi phân bố của loài Thỏ vằn Trường Sơn

Do được liệt kê là loài nguy cấp trong Sách đỏ IUCN nên các quần thể Thỏ vằn Trường Sơn mới được phát hiện có giá trị bảo tồn và đảm bảo mức độ bảo vệ cao nhất. Thông tin chi tiết về phát hiện mang tính bước ngoặt này được mô tả chi tiết trên Tạp chí khoa học Mammalia.

Từ tháng 9/2019 đến tháng 10/2020, các nhà khoa học của Leibniz-IZW và SIE đã tiến hành khảo sát hệ thống lắp đặt camera động vật hoang dã tại Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà với sự hợp tác của các chuyên gia từ GWC. Tổng cộng có 103 camera được thiết lập trong một thiết kế khảo sát với vị trí gắn bẫy ảnh cách mặt đất khoảng 30 – 40 cm ở các kiểu môi trường sống khác nhau trong Vườn quốc gia.

Các bẫy ảnh đã ghi lại được hình ảnh Thỏ vằn Trường Sơn 20 lần tại 3 trạm khác nhau. Tất cả đều được chụp vào ban đêm, ở độ cao khoảng 1.500 – 1.900 m và trong khu rừng thường xanh ẩm ướt lá rộng với tán cây khép kín nhiều tầng và thảm thực vật dưới tầng ẩm ướt, rậm rạp.

“Các bức ảnh đại diện cung cấp bằng chứng đầu tiên về các loài ở vùng sinh thái Nam Trường Sơn, cách phần cực nam khoảng 300 km theo bản đồ phạm vi phân bố loài được đề cập trong Sách đỏ IUCN và gần 400 km về phía nam trong hồ sơ bẫy ảnh được theo dõi gần đây nhất từ tỉnh Quảng Nam”, nhà nghiên cứu An Nguyen và TS. Andrew Tilker từ Leibniz-IZW cho biết.

“Phát hiện mới cũng đại diện cho kỷ lục về độ cao được ghi nhận về loài này”.

Dữ liệu mới tiết lộ bao nhiêu kiến ​​thức còn thiếu về quần thể mới được phát hiện, từ việc sử dụng môi trường sống của chúng ở dãy Trường Sơn đến đặc điểm sinh học cũng như sự phân bố của chúng nói chung.

Theo nhà nghiên cứu Duy Lê từ SIE, “điều thú vị là các bẫy ảnh chỉ ghi được rất ít những hình ảnh loài mang màu lông gỉ sắt với những đường sọc đặc trưng trong Vườn quốc gia rộng lớn và được bảo vệ tương đối tốt”. “Việc giăng bẫy bừa bãi – mối đe dọa chính đối với loài này – cũng được cho là thấp hơn khu vực Trung hoặc Bắc Trường Sơn. Do đó, việc cho rằng loài có sự phong phú thấp cần được xác nhận, giải thích lại hoặc bác bỏ thông qua các cuộc khảo sát và phân tích bổ sung ở Bidoup-Núi Bà cùng các vùng liền kề hoặc lân cận”.

Một ưu tiên nghiên cứu khác nữa là cần đánh giá mức độ khác biệt di truyền giữa các quần thể Thỏ vằn Trường Sơn đã biết ở cả ba vùng Nam, Trung và Bắc Trường Sơn. Khu vực Cao nguyên Đà Lạt thuộc dãy Nam Trường Sơn, nơi có Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà, bị ngăn cách với các khu rừng thường xanh ẩm ướt của miền Trung Việt Nam bởi một vùng sinh cảnh rừng khô hạn. Nếu Thỏ vằn Trường Sơn là một “chuyên gia” rừng thường xanh ẩm ướt thực sự, như tất cả các thông tin hiện tại cho thấy, thì việc tồn tại các quần thể biệt lập ở các phần phía nam, trung tâm và phía bắc của dãy Trường Sơn có khả năng xảy ra.

“Việc phát hiện ra quần thể mới này có ý nghĩa quan trọng đối với việc bảo tồn loài đang bị đe dọa cao như Thỏ vằn Trường Sơn. “Bước tiếp theo, chúng tôi sẽ tiến hành các cuộc điều tra sâu rộng cùng với sự hỗ trợ của các đối tác để điều tra tình trạng bảo tồn của loài Thỏ vằn Trường Sơn và những yếu tố sinh thái nào là nguyên nhân dẫn đến sự xuất hiện của loài này. Chúng tôi lo ngại rằng sự suy giảm dân số sẽ dẫn đến sự tuyệt chủng cục bộ của quần thể Thỏ vằn Trường Sơn duy nhất được biết đến ở Nam Trường Sơn. Chúng tôi cũng mong muốn thực hiện các hành động bảo tồn để bảo vệ loài đặc hữu này, như một phần trong nỗ lực bảo vệ sự đa dạng sinh học rộng lớn hơn đã làm cho Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà trở nên đặc biệt”, TS. Lê Văn Hương, Giám đốc Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà chia sẻ.

Thu Huệ (Theo degruyter.com)

Nguồn: