Theo báo cáo của các cơ quan chuyên ngành thú y và y tế của địa phương, từ đầu năm 2021 đến nay, cả nước ghi nhận 15 trường hợp người tử vong do bệnh dại tại 10 tỉnh, thành phố và hơn 140.000 người phải đi điều trị dự phòng bệnh dại.
Theo Bộ NN&PTNT, qua công tác giám sát chủ động trên động vật, đã phát hiện 33 trường hợp chó, mèo có kết quả xét nghiệm dương tính với virus tại 6 tỉnh: Sơn La, Điện Biên, Lạng Sơn, Phú Thọ, Đắk Lắk, Đắk Nông. Nguy cơ cao dịch bệnh dại tiếp tục xảy ra khi thời tiết chuyển sang mùa hè.
Nguyên nhân chính được chỉ ra trong Chỉ thị số 2894 vừa được Bộ NN&PTNT gửi các địa phương về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh dại ở động vật là phải quản lý đàn chó tại một số địa phương, người nuôi chó không chấp hành việc nuôi nhốt, chó thả rông cắn người tiếp tục xuất hiện…
Việc tiêm phòng dại cho chó, mèo đạt tỷ lệ rất thấp; số lượng chó, mèo được tiêm phòng chủ yếu theo kế hoạch hằng năm của địa phương, thấp hơn nhiều so với tổng đàn chó, mèo thuộc diện tiêm phòng (nhiều địa phương tỉ lệ tiêm vaccine đạt dưới 30% số chó, mèo).
Nhiều nơi chưa thành lập các đội chuyên trách bắt chó thả rông và động vật mắc bệnh hay có dấu hiệu mắc bệnh dại; việc áp dụng các chế tài xử lý vi phạm quy định về quản lý chó nuôi, về tiêm phòng vaccine cho chó, mèo chưa được thực hiện nghiêm theo Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ.
Để khắc phục những tồn tại, bất cập, hạn chế nêu trên, nhất là giảm tình trạng chó thả rông cắn người, giảm số người bị tử vong vì bệnh dại, Bộ NN&PTNT đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các sở, ngành và chính quyền các cấp tập trung nguồn lực và đồng bộ các giải pháp về quản lý đàn chó, mèo, phòng, chống bệnh dại theo đúng quy định của Luật Thú y, tránh tình trạng chủ quan, lơ là để dịch bệnh xảy ra trên động vật và gây bệnh trên người
Theo đó, chú trọng rà soát, bổ sung, xây dựng, trình UBND cấp tỉnh phê duyệt kế hoạch, bố trí kinh phí và các nguồn lực để tổ chức thực hiện có hiệu quả kế hoạch phòng, chống bệnh dại tại địa phương, bao gồm việc rà soát, thống kê chính xác và báo cáo số hộ nuôi chó ở từng khu dân cư, từng xã, huyện; hướng dẫn, yêu cầu các hộ nuôi chó cam kết thực hiện nghiêm việc khai báo, chấp hành việc xích, nhốt, khi cho chó ra đường, nơi công cộng phải đeo rọ mõm cho chó theo quy định; thành lập và có cơ chế cho các đội xử lý chó thả rông, đặc biệt tại các khu vực đô thị; lập sổ theo dõi hộ nuôi chó và số chó nuôi trong từng hộ gia đình nhằm hỗ trợ việc tiêm phòng, hỗ trợ vaccine ngừa bệnh dại và tổ chức chủ động giám sát lưu hành mầm bệnh để cảnh báo cộng đồng.
Cùng với đó, tổ chức tiêm phòng vaccine cho đàn chó, mèo, bảo đảm đạt tỷ lệ tiêm phòng theo quy định; tỉ lệ tiêm phòng cần tính theo số lượng tổng đàn chó, mèo thực tế thuộc diện tiêm phòng của địa phương (không tính theo kế hoạch tiêm phòng nếu số lượng chó, mèo tiêm theo kế hoạch không phải là số lượng tổng đàn thuộc diện tiêm); thường xuyên rà soát, tiêm phòng bổ sung, tránh bỏ sót đối tượng chó, mèo thuộc diện tiêm phòng.
Khi phát hiện hoặc nhận được thông tin về các trường hợp người bị chó nghi mắc bệnh dại hoặc khi động vật nghi mắc bệnh dại, cơ quan quản lý chuyên ngành thú y chủ động phối hợp với cơ quan y tế và các cơ quan liên quan để tổ chức điều tra, xác định nguyên nhân ổ dịch theo hướng dẫn của Cục Thú y.
Tổ chức xây dựng vùng an toàn dịch bệnh dại, nhất là ở khu du lịch, khu vực thành phố, thị xã, khu đông dân cư…
Triển khai truyền thông sâu rộng trong cộng đồng dân cư, nhằm nâng cao trách nhiệm của người nuôi chó đối với cộng đồng và nhận thức của người dân để tích cực tham gia phòng, chống bệnh Dại tại cộng đồng và quản lý chó nuôi.