Theo điều phối viên Chương trình Bảo tồn rùa Châu Á, cá thể rùa cá sấu xuất hiện ở Bình Định là sinh vật ngoại lai, được biết đến với biệt danh “quái thú”.
Ngày 20/5, Chi cục Thủy sản thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định bàn giao cá thể rùa cá sấu cho Vườn thú FLC Zoo Safari Park Quy Nhơn (Công ty CP Đầu tư và phát triển Vườn thú Faros) nuôi dưỡng.
Ông Nguyễn Công Bình, Phó chi cục trưởng phụ trách Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Định, cho hay đây là lần đầu tiên ngư dân phát hiện, giao nộp rùa cá sấu cho cơ quan chức năng.
“Do cá thể rùa này là sinh vật ngoại lai, không thể thả về môi trường tự nhiên nên Chi cục Thủy sản tạm giao cho Vườn thú FLC Zoo Safari Park Quy Nhơn cách ly nuôi dưỡng. Hiện chúng tôi đã báo cho Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên thế giới tại Việt Nam để có giải pháp xử lý cá thể rùa này”, ông Bình nói.
Trao đổi với Zing, ông Hoàng Văn Hà, điều phối viên Chương trình Bảo tồn rùa Châu Á, cho biết ngư dân Bình Định đã bắt được loài rùa cá sấu, tên tiếng Anh là Common snapping turtle, tên khoa học Chelydra serpentina.
“Đây là một loài rùa nước ngọt ngoại lai xuất hiện Việt Nam, có nguồn gốc từ Bắc Mỹ. Loài nằm trong phụ lục III, Công ước quốc tế về buôn bán các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp”, ông Hà thông tin.
Theo ông Hà, từ năm 2000 đến nay, nhiều loài rùa ngoại lai có nguồn gốc Bắc Mỹ xuất hiện ở một số quốc gia Châu Á, trong đó có nhiều ở Trung Quốc. Việc du nhập rùa cá sấu về Việt Nam chủ yếu để nuôi làm cảnh, rất ít trường hợp nuôi loài này làm thực phẩm. Loài rùa cá sấu thường ăn tạp, trong đó thức ăn chủ yếu là động vật. Do rùa cá sấu có hình dáng dữ tợn vừa giống rùa vừa giống cá sấu nên chúng được đặt biệt danh là “quái thú”.
Hiện nay, loài rùa ngoại lai được nuôi một số ít ở các vườn quốc gia, công viên hay trung tâm cứu hộ, bảo tồn ở Việt Nam, chủ yếu phục vụ mục đích nâng cao nhận thức cộng đồng.