Nhiều nhà kinh doanh đã lợi dụng mặt hàng “hộp bí ẩn” đang gây sốt với giới trẻ Trung Quốc để thực hiện hành vi vô nhân đạo, gây nguy cơ lây lan dịch bệnh nguy hiểm.
Gần đây, mặt hàng “hộp bí ẩn” đang gây sốt trong giới trẻ Trung Quốc. Đúng như cái tên của nó, “hộp bí ẩn” là một sản phẩm bất kỳ được đặt trong hộp kín, người mua chỉ được mở hộp để khám phá món đồ sau khi đã thanh toán. Những chiếc hộp này chứa sản phẩm rất đa dạng, từ những món đồ lưu niệm giá trị thấp cho tới hàng hiệu, thậm chí bên trong có thể là động vật sống.
Ông Ding Ying, phó giáo sư về nghành tiếp thị tại đại học Nhân dân Trung Quốc ở Bắc Kinh so sánh mặt hàng này với “chất gây nghiện” do chúng kích thích sự tò mò và ham muốn sưu tập của khách hàng, từ đó đem lại lợi nhuận khổng lồ cho các nhà kinh doanh.
Vào tháng 12/2020, nhà sản xuất hộp bí ẩn Pop Mart đã thu về 676 triệu USD chỉ trong đợt đầu phát hành sản phẩm hộp chứa tượng lưu niệm nhiều mẫu. Tờ China Daily dự đoán giá trị của ngành công nghiệp hộp bí ẩn có thể lên tới 4,7 tỷ USD vào năm 2024.
Tuy nhiên, chính lợi nhuận khổng lồ của mặt hàng này đã khiến nhiều nhà kinh doanh bất chấp đạo đức để thu lời. Hôm 3/5, nhóm bảo vệ quyền động vật Love Home ở Trung Quốc đột kích một kho hàng chứa hộp bí ẩn tại Thành Đô. Tại đây, họ phát hiện 156 hộp đựng chó con và mèo con chỉ vài tháng tuổi. Tất cả chúng đều không rõ xuất xứ hay tình trạng tiêm phòng, bị nhồi nhét trong điều kiện chật hẹp, mất vệ sinh và tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ra dịch bệnh, nhiều con vật đã chết trong hộp đựng.
“Hộp bí ẩn” hay phong trào vô nhân đạo?
Theo các kênh truyền thông nhà nước Trung Quốc, dù việc giao động vật sống qua đường bưu điện là bất hợp pháp nhưng hoạt động này lại được kiểm soát rất kém, tạo điều kiện cho các nhà kinh doanh hộp bí ẩn lợi dụng.
Trên Pinduoduo, một trong những nền tảng mua sắm trực tuyến lớn nhất tại Trung Quốc, có rao bán mặt hàng hộp bí ẩn “dễ thương”. Mỗi chiếc hộp chứa một chú chó “ngẫu nhiên” với giá 599 nhân dân tệ (92 USD). Phần quảng cáo cho sản phẩm này mô tả hộp “không chứa chó ta” và “không có chó bệnh tật”. Một số trang bán hàng trực tuyến lớn khác, bao gồm cả trang Taobao của công ty Alibaba, cũng rao bán loại “hộp bí ẩn chứa sản phẩm sống” này.
Hầu hết các quảng cáo hộp bí ẩn chứa thú cưng đều nêu rõ họ đang bán loại động vật nào và đảm bảo con vật có sức khỏe tốt. Nhưng cuộc đột kích kho hàng ở Thành Đô lại cho thấy thực tế ngược lại.
Nhóm Love Home cho biết trong kho hàng này chứa hàng trăm chú chó con và mèo con lai tạp chen chúc nhau trong những chiếc thùng nhựa nhỏ được dán kín, nhiều con đã chết vì ngạt thở và đói.
“Các nhà kinh doanh thường ngừng cung cấp thức ăn và nước uống một ngày trước khi khởi hành để hạn chế con vật bài tiết. Cứ mỗi chiếc hộp rộng chưa đầy 30 cm chứa ba chú chó con nằm bất động được xếp cạnh nhau”, trang web của Love Home mô tả lại cảnh tượng tàn nhẫn trong những chiếc hộp bí ẩn.
Những hình ảnh vô nhân đạo bên trong kho hàng hộp bí ẩn ở Thành Đô đã dấy lên làn sóng phẫn nộ trong cộng đồng mạng Trung Quốc. Một số khách hàng từng mua thú cưng trong những chiếc hộp này cũng lên án hành vi ngược đãi động vật của nhà bán hàng.
“Chú chó của tôi luôn ủ rũ, ốm yếu và không di chuyển nhiều kể từ khi được mua về. Xin hãy suy nghĩ kỹ trước khi mua những chú chó này!”, một khách hàng đăng đánh giá trên Pinduoduo.
Nguy cơ lây lan dịch bệnh
Các nhóm bảo vệ quyền động vật cùng kênh truyền thông nhà nước Trung Quốc cảnh báo người dân về một vấn đề nghiêm trọng khác ngoài nạn ngược đãi động vật: Nguy cơ lây lan dịch bệnh từ chính những con vật trong hộp bí ẩn.
Một tình nguyện viên của Love Home cho biết có tới hàng chục con vật được giải cứu trong cuộc đột kích kho hàng ở Thành Đô được chẩn đoán mang bệnh, bao gồm dịch hạch và bệnh dịch ở mèo.
Nếu những con vật này lây mầm bệnh cho người, hậu quả sẽ vô cùng nghiêm trọng. Tổ chức Y tế Thế giới đã kết luận trong bản dự thảo về nguồn gốc của COVID-19 rằng đại dịch toàn cầu bắt nguồn từ một loài động vật. Tính đến tháng 5/2021, căn bệnh này đã giết chết hơn 3 triệu người trên toàn thế giới.
Trung Quốc đã ban hành luật mới nhằm ngăn chặn những dịch bệnh có thể lây lan từ động vật, bao gồm lệnh cấm ăn thịt động vật hoang dã. Tuy nhiên, tờ China Daily cho biết nhiều nhà kinh doanh vật nuôi trên các nền tảng thương mại điện tử vẫn phớt lờ các yêu cầu kiểm tra và biện pháp kiểm dịch của chính phủ.
Phạt cũng như không
Sau vụ việc ở kho hàng Thành Đô, một số mặt hàng hộp bí ẩn chứa thú cưng đã bị gỡ khỏi các trang thương mại điện tử. Tuy nhiên, một số nhà kinh doanh lại cố gắng ngụy trang sản phẩm này bằng cách thay đổi mô tả trong quảng cáo.
Công ty chuyển phát ZTO có trụ sở tại Hong Kong, công ty chịu trách nhiệm vận chuyển lô hàng hộp bí ẩn ở kho hàng Thành Đô, đã lên tiếng xin lỗi về “hành vi sai trái” liên quan đến hàng trăm con vật.
“Sự phát triển lành mạnh của ngành chuyển phát nhanh không chỉ dựa trên việc quản lý và các quy định chặt chẽ mà còn do ý thức sống cùng các giá trị đúng đắn”, ZTO cho biết trong thông điệp xin lỗi.
ZTO nói thêm rằng kho hàng Thành Đô sẽ bị đóng cửa và công ty sẽ hợp tác với cuộc điều tra của cảnh sát. Công ty này cũng phải nộp phạt 12.419 USD vì lô hàng hộp bí ẩn chứa thú cưng.
Nhưng ngay sau sự kiện ở Thành Đô, ZTO lại tiếp tục bị phát hiện vi phạm liên quan đến hộp thú cưng bí ẩn. Khi các nhà chức trách kiểm tra một kho hàng khác của công ty này ở tỉnh Giang Tô, họ phát hiện thêm 13 thùng chứa động vật, trong đó có nhiều con vật đã chết.
Ông Evan Sun, nhà khoa học tại tổ chức phi chính phủ Bảo vệ Động vật Thế giới (WAP) ở Trung Quốc, bình luận rằng vụ vi phạm thứ hai cho biết ZTO đã không khắc phục hoàn toàn các sai phạm liên quan đến kinh doanh động vật, bất chấp lần cảnh cáo và mức phạt trước đó.
“Những người muốn nuôi thú cưng nên hiểu rằng việc vận chuyển động vật theo cách vô nhân đạo như vậy là không thể chấp nhận được”, ông Sun nói.
Hiện tại, luật pháp Trung Quốc vẫn chưa có quy định bảo vệ động vật nào đủ nghiêm ngặt. Nhưng sau loạt bê bối liên quan đến hộp thú cưng bí ẩn, các chuyên gia đã kêu gọi chính phủ siết chặt các biện pháp ngăn chặn nạn ngược đãi động vật.
“Cần tiếp tục nâng cao nhận thức về quyền lợi động vật trong toàn xã hội và hướng đến một hệ thống pháp luật bảo vệ động vật mạnh mẽ hơn trong tương lai”, ông Sun kêu gọi cộng đồng quan tâm đến vấn đề này “cần có những hành động tập thể để chấm dứt nạn buôn bán động vật mất nhân tính”.