EU kêu gọi xây dựng khung pháp lý toàn cầu về công bằng khí hậu

EU kêu gọi xây dựng một khung pháp lý toàn cầu để thúc đẩy công bằng khí hậu, qua đó giải quyết tình trạng bất công khi những nước và những cộng đồng gây tác động biến đổi khí hậu ít nhất lại phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất.

Ngày 19/5, Nghị viện châu Âu (EP) đã thông qua một báo cáo kêu gọi Liên hợp quốc xây dựng một khung pháp lý toàn cầu để thúc đẩy công bằng khí hậu, qua đó giải quyết tình trạng bất công khi những nước và những cộng đồng gây tác động biến đổi khí hậu ít nhất lại phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất.

Báo cáo hối thúc Brussels có nhiều hành động thiết thực hơn nữa để giải quyết mối liên quan giữa quyền con người và các vấn đề khí hậu ngay trong chính sách của khối, như việc lập danh sách các nước mà EU sẽ tăng cường hỗ trợ các nhà hoạt động và người dân bản địa trong việc bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, cũng trong cuộc họp này, các nghị sỹ EU đã phủ quyết một báo cáo khác có nội dung giải quyết những tác động của biến đổi khí hậu đối với các nước đang phát triển và kêu gọi EU tăng hỗ trợ tài chính giúp các nước này ứng phó.

Trung Quốc là nguồn phát thải khí CO₂ lớn nhất thế giới, chiếm hơn 25%.

Hiện EU và các nước thành viên trong khối gộp lại là nhóm đóng góp lớn nhất cho nguồn tài chính chống biến đổi khí hậu tại các nước đang phát triển. Tuy nhiên, tất cả các nền kinh tế lớn đang chịu sức ép tăng các khoản đóng góp – động thái được xem là mấu chốt để thúc đẩy cắt giảm khí thải tại các nền kinh tế mới nổi.

Trên thực tế, bão lũ, khô hạn, cháy rừng, nước biển dâng… các hiện tượng thời tiết bất thường xảy ra ngày càng nhiều với sự ảnh hưởng lớn hơn. Nguyên nhân chính là do tình trạng biến đổi khí hậu. Mặc dù cộng đồng quốc tế đã đạt thỏa thuận hạn chế khí thải để giữ nhiệt độ Trái Đất không tăng quá 2°C do với thời kỳ tiền công nghiệp, song khoảng cách giữa cam kết và hành động vẫn còn rất lớn. Vấn đề công bằng khí hậu ngày càng cấp thiết, trước hết đối với các nhóm yếu thế, nước nghèo – nạn nhân hàng đầu của biến đổi khí hậu.

Hàng loạt các “cam kết xanh” được đưa ra

Mới đây, Chính phủ và nghị viện ở một số nước châu Âu cũng đã thông qua các dự luật về khí hậu, với những mục tiêu tham vọng hơn về cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Cụ thể, Chính phủ Ðức vừa đề xuất một dự luật về khí hậu, trong đó đặt ra những mục tiêu tham vọng hơn nhằm giảm phát thải khí CO2. Văn kiện được đưa ra sau khi Tòa án Hiến pháp liên bang Ðức ra phán quyết rằng, luật bảo vệ khí hậu hiện hành chưa hiệu quả. Theo kế hoạch mới, Ðức sẽ cắt giảm 65% lượng khí thải vào năm 2030 so mức của năm 1990; mục tiêu trước đây là giảm 55%. Ðức cũng đặt mục tiêu đạt trung hòa carbon vào năm 2045, sớm hơn 5 năm so kế hoạch hiện tại. Phán quyết mang tính bước ngoặt của tòa án Ðức được Ủy ban châu Âu (EC) nhận định là cơ hội để Béc-lin tạo lợi thế cạnh tranh trong lĩnh vực công nghệ carbon thấp, có thể mở đường cho các quốc gia khác ở châu Âu có động thái tương tự.

Tại Pháp, sau ba tuần tranh luận, dự luật mang tên “Khí hậu và khả năng phục hồi” đã được Hạ viện Pháp thông qua, theo đó yêu cầu thay đổi thói quen tiêu dùng, ăn uống, phương thức sản xuất, làm việc, di chuyển và hành xử. Các biện pháp mới để bảo vệ môi trường được đề xuất như tăng cường quyền tự quyết về môi trường cho các thị trưởng; tạo khu phát thải thấp ở các thành phố lớn; thêm nhãn hiệu “điểm CO2” trên hàng hóa tiêu dùng… Tuy nhiên, dự luật nêu trên lại không nhận được sự ủng hộ hoàn toàn, khiến Thượng viện Pháp phải thông qua một văn kiện sửa đổi. Tổng thống Ê.Ma-crông đang đứng trước sức ép của dư luận yêu cầu thông qua đạo luật sâu rộng hơn để ứng phó biến đổi khí hậu.

Quốc hội Tây Ban Nha cũng thông qua dự luật năng lượng sạch được xây dựng nhằm đáp ứng tiêu chuẩn chung mà Liên hiệp châu Âu (EU) đề ra về trung hòa carbon vào năm 2050. Dự luật đề ra lộ trình hành động nhằm bảo vệ khí hậu, theo đó đến năm 2030, Tây Ban Nha sẽ giảm lượng khí nhà kính ít nhất 23% so với lượng khí thải của năm 1990.

Nhằm thúc đẩy những hành động quyết liệt và cụ thể hơn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu ở “lục địa già”, Nghị viện châu Âu (EP) đã chính thức thông qua Chương trình môi trường và khí hậu châu Âu (LIFE) giai đoạn 2021 – 2027, với tổng ngân sách 5,4 tỉ euro. Ðây là chương trình hành động EU dành riêng cho vấn đề khí hậu và môi trường, với mục tiêu chuyển đổi sang nền kinh tế sạch, tuần hoàn, carbon thấp, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và ứng phó biến đổi khí hậu. LIFE thúc đẩy lồng ghép các hành động chống biến đổi khí hậu và kêu gọi dành ít nhất 30% ngân sách của EU cho các mục tiêu khí hậu.

Trong khi đó, trong kế hoạch đưa Mỹ trở lại lộ trình chống biến đổi khí hậu toàn cầu và tiến tới dẫn đầu nỗ lực này, Tổng thống Mỹ G.Bai-đơn đã thông qua một sắc lệnh hành pháp về thành lập một văn phòng mới thuộc chính phủ liên bang, có nhiệm vụ hỗ trợ các chính sách và các vấn đề biến đổi khí hậu. Văn phòng này trực thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ và hỗ trợ các cam kết, thúc đẩy các sáng kiến của Mỹ trong giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu. Cùng kế hoạch chi tiêu hơn 2.000 tỉ USD nhằm hiện đại hóa hệ thống cơ sở hạ tầng và giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, chính quyền Tổng thống G.Bai-đơn đang triển khai thực thi cam kết đến năm 2030 giảm lượng khí nhà kính của nền kinh tế đầu tàu thế giới, từ 50% đến 52% so mức của năm 2005, gấp hai lần cam kết mà chính quyền Mỹ đưa ra khi ký Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu.

Hàng loạt các “cam kết xanh” và hành động quyết liệt đã được các nền kinh tế lớn đưa ra nhằm đạt mục tiêu tham vọng hơn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Ðây là tín hiệu tích cực giúp thế giới có thể kỳ vọng vào nỗ lực ngăn chặn tình trạng nóng lên của Trái Đất. Tuy nhiên, để hoàn thành lộ trình giảm khí thải và tiến tới trung hòa carbon còn là chặng đường gian nan ở phía trước, trong khi thời gian không còn nhiều.

Theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới, từ nay đến năm 2070 khoảng 60% dân số thế giới rất dễ mắc bệnh dịch do hiện tượng Trái Đất ấm lên.

Nhiệt độ Trái Đất tăng dẫn đến hệ quả tan băng và gây lụt lội. Theo các nhà nghiên cứu, các nước nghèo bị ngập lụt nhiều nhất. Trong khi đó, ngân sách quốc gia của các nước này hạn hẹp nên không tự bảo vệ được mình. Những tác động về thời tiết do hiện tượng Trái Đất ấm lên sẽ gây tổn hại sản xuất nông nghiệp, trong khi dân số thế giới ngày một tăng.

Theo số liệu trên trang web climatescience.org cập nhật năm 2020, Trung Quốc là nguồn phát thải khí CO₂ lớn nhất thế giới, chiếm hơn 25%. Tiếp theo là Mỹ chiếm 15%, và khối EU (bao gồm Anh) 10%, Ấn Độ 7% và Nga 5%.