Hình vẽ cổ nhất thế giới ở Indonesia bị phá hủy do biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu đang phá hủy nghiêm trọng các hình vẽ hàng chục nghìn năm trên đá ở Indonesia. Ảnh: Đại học Griffith

Một số tác phẩm 40.000 năm tuổi trên đá ở Indonesia từ thời các nền văn minh cổ đại ở Nam Sulawesi, bị bong tróc nặng nề do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Nghiên cứu của các chuyên gia Đại học Griffith Australia và các chuyên gia Indonesia cho thấy các họa tiết vô giá trong hang mô tả một cách sống động hình ảnh động vật, cảnh săn bắn và các sinh vật siêu nhiên.

Nhưng các họa tiết này đang bị hủy hoại khi nhiệt độ tăng và thời tiết trở nên khắc nghiệt hơn.

Bài báo nghiên cứu của nhóm được công bố trên tạp chí Scientific Reports tuần trước, tập trung vào 11 địa điểm núi đá vôi ở Maros-Pangkep, nơi các tác phẩm nghệ thuật được phát hiện có niên đại hơn 44.000 năm, bao gồm cả bức hình con lợn rừng Sulawesi có niên đại ít nhất 45.500 năm. Chúng có ý nghĩa quan trọng với toàn thế giới.

Chuyên gia bảo tồn nghệ thuật trên đá tại đại học Griffith – Tiến sĩ Jillian Huntley – cho biết: “Những tác phẩm vô giá này được biết đến từ những năm 1950, nhưng niên đại lâu đời của nó mới chỉ được biết từ năm 2014. Những gì nghiên cứu được từ các hình vẽ cổ xưa này đã thay đổi hoàn toàn về câu chuyện của loài người mà chúng tôi biết”.

Với niên đại khoảng 44.000 năm tuổi, bức tranh Sulawesi ở Indonesia này là một trong những tranh tường thuật đầu tiên trên thế giới, cho thấy hình giống con người đang săn lợn rừng. Ảnh: Đại học Griffith

Sau khi tồn tại hàng chục nghìn năm, các hình vẽ trên đá này đang bị bóng tróc dần do sự nóng lên toàn cầu, đặc biệt tại khu vực Đông Nam Á. Khu vực hòn đảo này của Indonesia đặc biệt nhạy cảm với biến đổi khí hậu.

Nghiên cứu chỉ ra rằng nhiệt độ tăng, khô hạn kéo dài và các đợt gió mùa mạnh đang thúc đẩy quá trình hình thành các tinh thể muối trên bề mặt hang động chứa các hình vẽ, làm bong tróc bề mặt đá.

Tiến sĩ Huntley cho biết: “Nước và muối là những tác nhân hủy hoại nghiêm trọng”. Quá trình đó khiến hàng trăm địa điểm trong hang động bị vỡ vụn. Có khoảng 300 địa điểm có các tác phẩm trên đá ở khắp Nam Sulawesi bị ảnh hưởng.

Với tác động ngày càng nghiêm trọng của hiện tượng ấm lên toàn cầu, các nhà nghiên cứu dự đoán những tác phẩm cổ xưa này sẽ biến mất với tốc độ nhanh hơn. Một số có thể biến mất trước khi được khám phá hết trên khu vực quần đảo rộng lớn và hiểm trở này.

Theo CNA, vấn đề đang trở nên trầm trọng hơn khi người dân địa phương trồng lúa và đào ao nuôi trồng thủy sản, vì những điều này làm gia tăng độ ẩm, sự bốc hơi và lượng nước bị giữ lại trong môi trường. Sự phát triển công nghiệp cũng được coi là một mối đe dọa.

Các chuyên gia đã kêu gọi thêm nguồn lực để có thể thực hiện đánh giá rủi ro trong khu vực đồng thời tăng tốc khám phá và khảo sát nhiều tác phẩm hơn.