Ngày 18/5, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) lần đầu tiên công bố báo cáo Báo cáo Phát thải ròng bằng không. Qua phân tích các nguy cơ, IEA kêu gọi ngừng ngay việc thăm dò thêm nhiên liệu hóa thạch và nhanh chóng loại bỏ sản xuất nguồn năng lượng này.
Thực tế cho thấy, việc giảm sản lượng nhiên liệu hóa thạch hiện tại và ngừng thăm dò thêm mỏ nhiên liệu mới là điều không một công ty khai thác dầu lớn nào cam kết thực hiện. Trong khi đây là hành động bắt buộc nếu muốn đạt được mục tiêu không phát thải ròng các-bon (net-zero) vào năm 2050 – IEA nhấn mạnh.
Nhiều công ty dầu khí đang thể hiện sự thiếu trách nhiệm khi đặt cược vào sự phát triển của công nghệ CCS (Carbon capture and storage – thu hồi và lưu trữ carbon). Công nghệ này vốn không được đánh giá cao do chi phí đầu tư tốn kém và dù đã qua 20 năm vẫn chưa thể triển khai ở quy mô lớn.
Bên cạnh đó, báo cáo thể hiện bước ngoặt của IEA, khi lần đầu tiên trong 2 thập kỷ qua đánh giá cao vai trò của năng lượng tái tạo và đã đưa ra những dự báo lạc quan về điện khí hóa. Cụ thể, toàn bộ ngành điện ở các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) có thể giảm phát thải bằng 0 vào năm 2035, và đối với các nước không thuộc OECD là vào năm 2040. Phần lớn nền kinh tế toàn cầu có thể vận hành bằng năng lượng tái tạo, và đà tăng trưởng liên tục của ngành này sẽ làm giảm nhu cầu ứng dụng công nghệ nhiều rủi ro như CCS hoặc những công nghệ có hậu quả tiêu cực như năng lượng sinh học (có khả năng gây ra xung đột đất đai và mất an ninh lương thực).
Mặc dù vậy, hiện tại chỉ có 0,5% công suất lắp đặt năng lượng tái tạo toàn cầu thuộc sở hữu hoặc hợp đồng với các công ty dầu khí.
Theo Giáo sư Gail Whiteman, Trường Kinh doanh Đại học Exeter, một điều đáng khích lệ là báo cáo mới của IEA thừa nhận rõ ràng nhu cầu phải chuyển đổi triệt để hệ thống năng lượng, đặt ra mục tiêu không phát ròng vào năm 2045 cho các nước phát triển và trên toàn cầu vào năm 2050, và nhanh chóng chấm dứt tìm kiếm các mỏ dầu và khí đốt mới ngay từ bây giờ.
Đồng tình với quan điểm này, ông Joyce Lee, Trưởng ban Chính sách và Dự án tại Hội đồng Năng lượng Gió Toàn cầu (GWEC) cho rằng: Báo cáo này là một hồi chuông cảnh tỉnh cho chính phủ các nước trên toàn thế giới về việc cần phải nghiêm túc phát triển năng lượng tái tạo. Để đạt được phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, quy mô tăng cường năng lượng gió cần thiết thực sự là rất lớn. Mỗi năm đến năm 2030, chúng ta cần tạo ra 390 GW gió. Hiện chúng ta chỉ mới lắp đặt 90 GW hàng năm và ở nhiều quốc gia, năng lượng tái tạo vẫn chưa được chú trọng.
Để vượt qua thách thức này, chính phủ các nước phải có hành động khẩn trương và có trọng tâm. Thực tế không thể phủ nhận là phần lớn lượng phát thải giảm được sẽ đến từ việc thay thế các nhiên liệu hóa thạch bằng năng lượng gió và mặt trời. Chi phí sản xuất các loại năng lượng này ngày càng có giá cả phải chăng và dễ dàng triển khai trên toàn thế giới. “Chúng tôi hoan nghênh lời kêu gọi của IEA về tránh đầu tư mới vào các mỏ dầu khí và mỏ than. Nhưng các mục tiêu đặt ra trong báo cáo này sẽ chẳng có nghĩa lý gì nếu chính phủ các nước không hành động để mở rộng quy mô năng lượng gió trên toàn thế giới” – ông Joyce Lee nhấn mạnh.
Hiện nay, chính phủ các nước trên khắp thế giới tiếp tục đầu tư đáng kể vào các gói phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, như Liên Hợp Quốc đã tuyên bố, trong kế hoạch chi tiêu phục hồi từ Covid-19 mà 50 nền kinh tế lớn nhất thế giới công bố vào năm 2020, chỉ có 18% có thể được coi là hướng tới phát triển bền vững và xanh hóa. Vẫn còn những hỗ trợ tài chính đáng kể cho ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch trong các gói phục hồi Covid-19 của họ.