Indonesia đưa ra kế hoạch ngừng xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới sau năm 2023 với công suất điện bổ sung chỉ được tạo ra từ các nguồn năng lượng mới và tái tạo.
Zulkifli Zaini, Giám đốc điều hành công ty điện lực quốc gia PLN cho biết sẽ không có thêm nhà máy nhiệt điện mới nào được xây dựng sau khi một chương trình quy mô – chủ yếu chạy bằng than – được hoàn thành nhằm bổ sung 35.000 MW vào lưới điện quốc gia. Chương trình này được triển khai từ năm 2015, kêu gọi xây dựng 117 nhà máy nhiệt điện than mới, trong đó, chỉ có 2.000 MW đến từ các nguồn năng lượng tái tạo. Dự kiến việc xây dựng các nhà máy nhiệt điện than sẽ hoàn thành vào năm 2023. Ngoài ra, một dự án song song chạy chủ yếu bằng than cũng được triển khai nhằm bổ sung 7.000 MW vào lưới điện.
“Sau khi các chương trình này được thực hiện, chúng tôi cam kết bổ sung điện trong tương lai bằng cách chỉ tập trung vào năng lượng mới và tái tạo”, Zulkifli cho biết.
Lĩnh vực năng lượng tái tạo của Indonesia đang bị bỏ lại khá xa so với các nước láng giềng ở Đông Nam Á dù cũng bao gồm các nguồn tái tạo được chấp nhận phổ biến như năng lượng mặt trời, địa nhiệt, thủy điện cùng các nguồn năng lượng mới gây tranh cãi như sinh khối, nhiên liệu sinh học từ dầu cọ, than khí hóa và hạt nhân (về mặt lý thuyết). Tính đến năm 2020, các nguồn năng lượng mới và tái tạo mới chiếm 11,5% lưới điện quốc gia. Trong khi đó, than đá – nguồn nhiên liệu có trữ lượng dồi dào ở Indonesia – chiếm gần 40% tổng năng lượng cả nước. Chính phủ Indonesia dự kiến sẽ tạo ra 23% năng lượng cả nước từ các nguồn mới và tái tạo vào năm 2025. |
Fabby Tumiwa, Giám đốc điều hành Viện Cải cách Dịch vụ thiết yếu (IESR) cho rằng kế hoạch ngừng xây dựng các nhà máy than mới của PLN là bước đầu tiên hướng tới việc phi carbon hóa nền kinh tế của Indonesia vốn vẫn phụ thuộc nhiều vào than “bẩn”.
“Indonesia có thể đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 nếu lượng khí thải từ các nhà máy điện giảm càng nhanh càng tốt. Vì vậy, chìa khóa đầu tiên là dừng hoàn toàn việc xây dựng các nhà máy than mới ít nhất sau năm 2025. Nhưng nếu có thể, dừng trước năm 2025 thì tốt hơn”, Fabby cho biết.
Cần sự tham gia của khu vực tư nhân
Cũng theo Fabby, để quá trình chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo diễn ra suôn sẻ, khu vực tư nhân cần tham gia vào việc phát triển năng lượng tái tạo. Một số doanh nghiệp nổi bật trong ngành than như Medco và Adaro đang tìm cách phát triển các nguồn năng lượng tái tạo trong tương lai.
“Với tình hình hiện tại, khi phần còn lại của thế giới đang tiến tới phi cacbon hóa nền kinh tế thì khu vực tư nhân ở Indonesia cần phải chuyển đổi. Trước đây, các chương trình của chính phủ chú trọng vào việc xây dựng các nhà máy than nhưng bây giờ thì khác. Do đó, các công ty cần chuyển hướng sang việc xây dựng các nhà máy điện tái tạo. Nếu không, doanh nghiệp của họ sẽ chết” – ông cho biết.
Các công ty cần nhận ra rằng sẽ không có tương lai cho nhiên liệu hóa thạch trong bối cảnh ngày càng nhiều tổ chức tài chính tuyên bố rút vốn khỏi các dự án than dưới áp lực ngày càng lớn từ người tiêu dùng và các cổ đông yêu cầu hành động về biến đổi khí hậu. Hàn Quốc – quốc gia tài trợ mạnh mẽ cho các nhà máy nhiệt điện than ở nước ngoài, bao gồm Indonesia, từ năm 2009 đến năm 2020 – gần đây đã tuyên bố chấm dứt tất cả các khoản tài trợ mới cho các dự án than ở nước ngoài.
Sau năm 2027, các nhà máy điện mặt trời, bao gồm cả kho dự trữ và các nhà máy điện gió sẽ tạo ra điện rẻ hơn so với các nhà máy than. Vì vậy, nếu PLN tiếp tục xây dựng các nhà máy than mới không ngừng nghỉ, khả năng các nhà máy đó trở thành tài sản bị mắc kẹt là rất lớn, chưa kể chi phí vận hành các nhà máy than sẽ cao hơn năng lượng tái tạo trong tương lai gần ở Indonesia.
Hiệp hội các nhà sản xuất điện độc lập của Indonesia ( APLSI) hoan nghênh kế hoạch của PLN, cho biết đã đến lúc đất nước này chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo giống như phần còn lại của thế giới.
Theo Arthur Simatupang, Chủ tịch APLSI kiêm Giám đốc điều hành các công ty khai thác than PT Toba Bara Energi và PT Indomining, khu vực tư nhân đã sẵn sàng tham gia vào quá trình chuyển đổi.
“Bất cứ khi nào có nhu cầu phát triển năng lượng mới và tái tạo, hãy mời khu vực tư nhân” – ông cho biết.
Ngoài ra, Arthur cho rằng kế hoạch ngừng xây dựng các nhà máy than mới nên được coi là cơ hội cho khu vực tư nhân đầu tư vào năng lượng tái tạo. “Cơ hội là rất tích cực, chúng tôi thực sự muốn đóng góp nhiều hơn nữa và làm việc cùng với chính phủ.”
Liên quan đến vấn đề này, Fabby cho rằng nếu không có sự tham gia của khu vực tư nhân, lĩnh vực năng lượng tái tạo ở Indonesia sẽ khó phát triển. “Chúng ta cần xây dựng 14.000 MW năng lượng tái tạo vào năm 2025. Nếu PLN phải tự mình xây dựng tất cả những thứ đó thì họ sẽ không có đủ khả năng tài chính để làm. Nhiều nhà máy mới cần được xây dựng với khoản đầu tư lên tới 25 tỷ USD mỗi năm để phát triển năng lượng tái tạo và hiện đại hóa lưới điện của chúng ta ”.
Nhiều thập kỷ đốt than
Indonesia tuyên bố ngừng xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới sau năm 2023 để đáp ứng các mục tiêu trung hòa cacbon, nhưng việc có hơn 100 nhà máy than được xây dựng vào thời điểm đó vẫn sẽ thải ra khí CO2 trong nhiều thập kỷ về sau.
Theo Tata Mustasya, điều phối viên chiến dịch năng lượng và khí hậu tại Greenpeace Indonesia, mặc dù áp đặt thời hạn cho việc xây dựng các nhà máy than mới là bước quan trọng đầu tiên nhưng vẫn chưa đủ để Indonesia chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch. Ông bày tỏ quan ngại về quyết định cho phép xây dựng các nhà máy than để tiến hành các chương trình 35.000 MW và 7.000 MW. Nếu kết hợp lại, hai chương trình này cần thêm 27.000 MW công suất phát điện để hoàn thành, và tất cả đều chạy bằng than. Một khi các nhà máy than này được xây dựng, chúng sẽ hoạt động trong nhiều thập kỷ tới, khiến Indonesia mắc kẹt trong một nền kinh tế phụ thuộc quá nhiều vào carbon. Ngoài ra, sẽ còn khó khăn hơn để năng lượng tái tạo cạnh tranh với than nếu chương trình 35.000 MW được hoàn thành, khiến không gian cho năng lượng tái tạo ở Indonesia bị loại bỏ, đặc biệt là trên đảo Java – nơi có nhu cầu điện cao nhất.
“Theo kịch bản tốt nhất, Indonesia cần phải ngừng xây dựng các nhà máy than mới ngay từ bây giờ mà không cần đợi hoàn thành chương trình 35.000 MW và 7.000 MW để đạt được mục tiêu hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5°C vào năm 2050” – Tata nhấn mạnh.
Ngược lại, Arthur cho rằng các nhà máy than được đề xuất đấu thầu theo chương trình trên phải được xây dựng vì than vẫn đóng một vai trò quan trọng trong việc cung cấp năng lượng cho các ngành công nghiệp và hộ gia đình. Theo Arthur, năng lượng tái tạo như năng lượng gió và mặt trời không đảm bảo khả năng sản xuất năng lượng trong suốt ngày đêm, từ đó đặt ra vấn đề về khả năng gián đoạn.
Bên cạnh đó, Arthur cho biết công nghệ lưu trữ pin quy mô lớn là cần thiết nhằm giúp năng lượng gió và mặt trời trở nên ổn định, đáng tin cậy hơn. Thế nhưng, công nghệ này vẫn còn đắt đỏ khiến bất kỳ quá trình chuyển đổi quy mô lớn với tốc độ nhanh chóng từ than đá sang năng lượng tái tạo hiện đều nằm ngoài khả năng hiện nay.
Ngoài ra, một nghiên cứu năm 2018 cho thấy giá năng lượng mặt trời đã giảm đến mức người ta có thể xây dựng thêm nhiều hệ thống để cung cấp đủ năng lượng, ngay cả trong những ngày nhiều mây. Không giống như than đá hoặc khí đốt tự nhiên, nhiên liệu tái tạo là miễn phí nên sản xuất thừa không phải là vấn đề.
Loại bỏ các nhà máy cũ
Các chuyên gia cũng kêu gọi dừng hoạt động sớm đối với các nhà máy than cũ mà họ là gây ô nhiễm cao và tốn nhiều chi phí vận hành. Tuy nhiên, cho đến nay, chính phủ vẫn chưa công bố bất kỳ kế hoạch nào về việc loại bỏ dần các nhà máy than cũ.
“Nếu muốn đạt được sự tương thích với mục tiêu khí hậu, chúng ta cần bắt đầu loại bỏ dần than đá từ năm 2029, càng sớm càng tốt. Chúng tôi đã xác định các nhà máy điện cũ có thể bị loại bỏ trước năm 2030. Những nhà máy này vốn đã hoạt động hơn 30 năm. Sẽ hoàn thiện hơn nếu PLN cũng có mục tiêu loại bỏ các nhà máy cũ này. Đừng chỉ dừng lại ở việc ngừng xây dựng các nhà máy than mới”, Fabby nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, Arthur cho rằng các nhà máy cũ hoạt động kém hiệu quả hơn. Tuy nhiên, việc loại bỏ hoàn toàn tất cả các nhà máy than chỉ có thể thực hiện trong vòng 20 đến 30 năm kể từ bây giờ. Khi đó, chính phủ cần đưa ra các quy định hỗ trợ việc loại bỏ than và phát triển năng lượng tái tạo.
“Nếu tất cả các quy định đều phù hợp thì khu vực tư nhân sẽ không bận tâm chút nào về việc các nhà máy than cũ bị đóng cửa. Tôi nghĩ đó là điều chúng tôi đang hướng tới.”
Cần những cam kết thực chất
Arthur cho biết các quy định hiện tại không có lợi cho sự phát triển của năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, các quy định trong tương lai, bao gồm dự luật hiện đang được thảo luận tại Quốc hội, nên giải quyết những vấn đề này. Bên cạnh đó, việc đơn giản hóa quy trình cấp phép cho các dự án tái tạo cũng rất quan trọng.
“Nếu các quy định được áp dụng, chúng tôi có thể dễ dàng đầu tư vào năng lượng tái tạo. Chúng tôi cũng yêu cầu các ngân hàng quốc gia ủng hộ các dự án tái tạo để nếu chúng tôi cần hỗ trợ tài chính cho các dự án tái tạo thì thủ tục sẽ không phức tạp và khó hiểu”,Arthur cho biết.
Với Fabby, thách thức lớn nhất là đưa cam kết của PLN về việc ngừng xây dựng các nhà máy than mới thành một chính sách ràng buộc.
“Nếu cam kết vẫn bằng lời nói, nó có thể bị hủy bỏ hoặc thay đổi bởi các cơ quan chính phủ khác như Bộ Năng lượng và Tài nguyên Khoáng sản. Vì vậy, sẽ tốt hơn nếu tuyên bố được viết chính thức trong kế hoạch mua sắm điện của PLN hoặc Kế hoạch kinh doanh cung cấp điện (RUPTL). Tài liệu phải phản ánh sự cam kết. Chúng tôi không muốn thấy thêm các nhà máy than mới trong RUPTL. Nếu tài liệu không phản ánh điều đó thì đó chỉ là những từ sáo rỗng”.
Ngọc Hiền (Mongabay)