WOB Timber, một công ty khai thác gỗ có trụ sở tại Hamburg (Đức) vừa bị tòa án Hamburg phạt 4 triệu USD vì hành vi buôn bán trái phép gỗ tếch Myanmar. Đây là một trong những hình phạt tài chính cao nhất đối với loại tội phạm này ở Liên minh châu Âu (EU).
Tòa án khu vực Hamburg xác định WOB Timber đã trốn tránh các lệnh trừng phạt của EU bằng cách nhập khẩu 31 lô hàng gỗ tếch khác nhau từ Myanmar, trị giá vài triệu đô la, từ năm 2008 đến năm 2011. Nhiều lô hàng liên quan đến gỗ được chế biến tại Đài Loan và được WOB Timber khai báo có xuất xứ từ nước này chứ không phải Myanmar nhằm vượt qua các lệnh trừng phạt. Ngoài ra, Tòa cũng kết án giám đốc công ty Stephan Bührich 21 tháng tù giam có điều kiện và khoản tiền phạt 243.000 đô la.
Quyết định của Tòa được đưa ra trong khuôn khổ cuộc điều tra do Cơ quan Điều tra Môi trường (EIA) thực hiện, liên quan đến Quy chế Gỗ của EU (EUTR), một đạo luật được ban hành vào năm 2013 để chống nhập khẩu gỗ bất hợp pháp vào EU.
Theo EIA, EUTR là cần thiết vì trước đây cũng đã có sẵn một bộ công cụ nhỏ hơn nhiều để giải quyết nạn buôn bán gỗ bất hợp pháp. Một trong những công cụ này là các biện pháp trừng phạt và từ giữa năm 2008 tới 2011 đã có các biện pháp trừng phạt đối với việc nhập khẩu gỗ từ Myanmar vào EU. Phán quyết chống lại WOB Timber là do vi phạm các lệnh trừng phạt đó.
Gỗ tếch của Myanmar được sử dụng ở châu Âu cho thị trường du thuyền sang trọng thuộc sở hữu của một số người giàu nhất thế giới. Nhu cầu này góp phần làm cho rừng của Myanmar bị phá với tốc độ gần như chưa từng có. Một diện tích rừng lớn hơn nước Bỉ đã bị mất trong giai đoạn 2001-2018. Điều này tác động nghiêm trọng đến sinh kế người dân và làm trầm trọng thêm tình trạng biến đổi khí hậu do nạn phá rừng và phá hủy đa dạng sinh học ở xứ xở chùa vàng.
Cũng theo điều tra của EIA, WOB Timber còn sử dụng một bên trung gian ở Croatia để tránh việc thực thi pháp luật ở Đức. Thông qua yêu cầu tự do thông tin, EIA có được tài liệu từ Bộ Nông nghiệp Croatia tiết lộ rằng một nhóm các công ty châu Âu, trong đó có WOB Timber đã trả tiền cho một công ty Croatia để lưu trữ gỗ tếch của Myanmar tại Croatia trong một nỗ lực nhằm vượt qua EUTR.
Dựa trên việc xem xét tài liệu từ 10 lô hàng gỗ tếch được nhập khẩu vào Croatia và dữ liệu xuất khẩu gỗ được báo cáo từ Myanmar sang một số quốc gia, EIA xác định được hình thức trốn thuế rõ ràng của các công ty xuất khẩu sản phẩm gỗ từ Myanmar.
“Chúng tôi tin rằng các công ty tư nhân xuất khẩu gỗ mua từ Công ty gỗ Myanma Timber Enterprise (MTE) thuộc sở hữu nhà nước đã phóng đại cách chế biến gỗ của họ để tránh phải trả thuế hàng hóa đặc biệt và giảm thuế quan Myanmar, nhất là các mặt hàng liên quan đến ván gỗ tếch”, Alec Dawson, giám đốc chiến dịch rừng EIA cho hay. Có 4 công ty ở EU gồm ABC ở Slovenia, HF Italia ở Ý, Houthandel Boogaerdt ở Hà Lan và WOB Timber ở Đức đã nhận số gỗ khai thác bất hợp pháp này và được hưởng lợi từ việc mua gỗ giảm giá. Đây cũng là lý do EIA kêu gọi cộng đồng quốc tế phản ứng bằng cách trừng phạt việc xuất khẩu gỗ của Myanmar sang thị trường các nước này.
Hiện EIA tiếp tục điều tra các vấn đề khác liên quan đến gỗ của Myanmar, đặc biệt là kể từ khi cuộc đảo chính nổ ra tại nước này hồi đầu năm nay. “Phần lớn gỗ của Myanmar đến EU đều đi qua Ý. Gần đây, chúng tôi đã tìm thấy một công ty kinh doanh ở Ý khoe trên phương tiện truyền thông xã hội về hoạt động thương mại gỗ bất chấp cuộc đảo chính”, Dawson nói.
EIA là tổ chức có trụ sở tại Luân Đôn chuyên điều tra và vận động chống lại tội phạm và lạm dụng môi trường. Các cuộc điều tra bí mật của tổ chức này cho thấy tội phạm động vật hoang dã xuyên quốc gia tập trung chủ yếu vào buôn lậu voi, tê tê và hổ trong khi các tội phạm về rừng thường hướng đến khai thác gỗ trái phép và phá rừng để trồng cây lấy tiền như dầu cọ. |
Hồng Ngọc (Theo Mongabay)