Một số sản phẩm nằm trong danh sách tái chế bắt buộc bao gồm ổ đĩa, bảng mạch, đèn huỳnh quang và pin cho xe điện.
Những nguyên tố hiếm như indium, yttrium, neodymium, cobalt và lithium rất cần thiết cho việc sản xuất công nghệ carbon thấp. Tuy nhiên, rất nhiều nguyên tố bị vứt bỏ bởi không có quy định bắt buộc tái chế chúng.
Sau khi xem xét điều gì đang xảy ra với những nguyên liệu hiếm cũng như nguồn cung tiềm năng trong tương lai, các nhà khoa học thuộc dự án Cewaste* đã đi đến kết luận trong một báo cáo, rằng tái chế là công việc bắt buộc đối với các nguyên liệu thô thiết yếu có trong bảng mạch, nam châm dùng trong ổ đĩa và xe điện, bộ ắc-quy trong xe điện, và đèn huỳnh quang.
“Chúng ta không thể đảm bảo nguồn cung cho những vật liệu này. Chẳng hạn, một số vật liệu đến từ các quốc gia đang gặp bất ổn về chính trị, nhưng những vật liệu đó rất quan trọng [đối với công nghệ xanh trong tương lai]. Điều này nên được quy định rõ ràng thông qua các tiêu chuẩn bắt buộc,” Pascal Leroy, người đứng đầu WEEE Forum, một trong những tổ chức hỗ trợ thực hiện báo cáo cho biết. “Trong khi chúng ta thường tái chế những kim loại có giá trị tương đối thấp như đồng, sắt và thậm chí là bạch kim thì những kim loại hiếm lại bị bỏ qua hoặc vứt bỏ vì những người tái chế thường cho rằng khối lượng của chúng quá nhỏ và việc thu hồi thì lại đắt đỏ.”
Việc nguồn cung của các vật liệu đó không được đảm bảo trong tương lai, trong khi nhu cầu sử dụng ngày càng tăng, không chỉ khiến giá thành của chúng tăng lên mà còn gây gián đoạn cho quá trình chuyển dịch sang kinh tế xanh, các tác giả của báo cáo nhận thấy.
Federico Magalini, giám đốc điều hành Sofies UK, một công ty tư vấn tham gia dự án Cewaste, cho biết: “Nếu chúng ta cứ để mọi việc diễn ra như hiện tại, chúng ta vẫn sẽ tiêu thụ nguyên liệu, và rồi trong 20 năm nữa, chúng ta sẽ lâm vào cảnh thiếu hụt. Lúc này, chúng ta đang thiếu động lực về lợi nhuận để tái chế một số sản phẩm có chứa vật liệu hiếm.”
Con người có xu hướng tập trung vào những kim loại có khối lượng lớn – dễ tái chế hơn, chẳng hạn như sắt, nhôm và đồng. Ở các nước EU, những quy định ban hành thường đặt ra mục tiêu dựa trên trọng lượng và khối lượng, do đó các cơ sở tái chế không mặn mà với việc tìm kiếm khối lượng nhỏ kim loại hiếm, bất chấp giá trị của chúng.
Trong mỗi sản phẩm chỉ có một lượng nhỏ vật liệu hiếm, điều này có nghĩa là việc tái chế chỉ cần diễn ra tập trung ở một số ít cơ sở. Ví dụ, châu Âu sẽ chỉ cần một số ít các nhà máy thu hồi bột huỳnh quang từ tất cả các sản phẩm đèn trên khắp lục địa.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) gần đây đã tính toán, nếu thế giới muốn đạt đến mức phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050, nhu cầu đối với các khoáng chất quý hiếm và quan trọng sẽ cao gấp 6 lần so với hiện nay vào năm 2040. Chỉ riêng nhu cầu đối với lithium sẽ cao hơn 40 lần vào năm 2040 vì nó được sử dụng trong pin.
Fatih Birol, giám đốc điều hành IEA, cho biết: “Dữ liệu cho thấy tham vọng khí hậu của thế giới không tương thích với mức độ sẵn có của số lượng khoáng chất quan trọng cần thiết để hiện thực hóa những tham vọng đó. Nếu chúng ta không khắc phục điều này, hành trình hướng tới một tương lai năng lượng sạch sẽ bị chậm lại và tốn kém hơn, và do đó cản trở các nỗ lực quốc tế nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.”
IEA nhận thấy việc sản xuất và xử lý các vật liệu, chẳng hạn như lithium, cobalt và đất hiếm, tập trung cao ở một số ít quốc gia. Năm 2019, CHDC Congo sản xuất 70% lượng cobalt, và Trung Quốc sản xuất 60% lượng đất hiếm. Trung Quốc cũng chịu trách nhiệm tinh chế gần 90% lượng đất hiếm được sử dụng trên toàn cầu.
(*) Cewaste là một phần của chương trình Horizon 2020, kéo dài 2 năm và do EU tài trợ.