Thủ đô Jakarta của Indonesia là thành phố chịu nguy cơ về môi trường và khí hậu cao nhất thế giới, theo sau là Delhi và Chennai (cùng ở Ấn Độ) và Surabaya (Indonesia).
Ngày 12-5, công ty tư vấn chiến lược và rủi ro toàn cầu Maplecroft (Anh) đã công bố báo cáo thường niên năm 2021 về rủi ro liên quan tới môi trường và khí hậu của 576 thành phố lớn nhất thế giới, theo hãng tin AFP.
Báo cáo cho thấy các vùng đô thị có quy mô trên 1 triệu dân đang đối mặt với nguy cơ ngày càng gia tăng về môi trường. Đặc biệt, 99 trong số 100 thành phố chịu nguy cơ cao nhất nằm ở châu Á khi “ngoại lệ” duy nhất là thủ đô Lima của Peru (khu vực Nam Mỹ) ở vị trí số 24.
Ấn Độ là nước có nhiều nhất các đô thị có nguy cơ cao về môi trường và khí hậu (43 thành phố) và xếp sau là Trung Quốc (37 thành phố).
Tuy nhiên, đô thị bị đe dọa nghiêm trọng nhất lại là thủ đô Jakarta của Indonesia – nơi giới chức đau đầu với nạn lụt, ô nhiễm môi trường và các sóng nhiệt vùng xích đạo. Ngoài ra, Indonesia còn có hai đô thị khác bị Maplecroft cảnh báo là Surabaya (xếp thứ 4) và Bandung (xếp thứ 8).
Theo Maplecroft, hơn 1,4 tỉ dân cư thành thị đang đối mặt với nguy cơ cao hoặc cực kỳ cao do các vấn đề môi trường như ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước sạch, các đợt sóng nhiệt, hiểm họa môi trường và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Điều này đe dọa đến sức khỏe và tính mạng người dân cũng như tài sản vật chất và các hoạt động thương mại.
Theo bộ chín chỉ số khảo sát của Maplecroft, Ấn Độ chiếm 13 trong số 20 thành phố bị đe dọa nghiêm trọng nhất thế giới. Vùng thủ đô Delhi là đô thị có nguy cơ về môi trường cao thứ hai thế giới, chỉ xếp sau Jakarta. Các thành phố khác xếp sau là Chennai (bang Tamil Nadu – thứ 3), Agra (bang Uttar Pradesh – thứ 6), Kanpur (bang Uttar Pradesh – thứ 10)…
Ô nhiễm môi trường là nguy cơ lớn nhất đối với các đô thị Ấn Độ. Vấn đề tương tự cũng xảy ra với Trung Quốc. Hai quốc gia đông dân nhất thế giới chiếm tới 286 triệu trong số 336 triệu dân thành thị đang chịu nguy cơ “cực kỳ cao” về môi trường.
Các thành phố ở Đông Á là những đô thị chịu nguy cơ cao nhất từ các thảm họa tự nhiên. Điều này đe dọa nền kinh tế, hệ thống cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải và cả tính mạng người dân.
Ngoài châu Á, châu Phi là nơi chịu mức nguy cơ cao tiếp theo. Đặc biệt, các đô thị ở châu Phi bị đánh giá là dễ bị tổn thương nhất trước thách thức do biến đổi khí hậu.
Châu Âu là khu vực có môi trường đô thị được đánh giá cao nhất trong báo cáo của Maplecroft.