Thời gian gần đây, sự phát triển mạnh về số lượng đàn voọc gáy trắng trên những lèn núi đá trùng điệp, cao vời vợi ở các xã: Thạch Hóa, Đồng Hóa, Thuận Hóa (Tuyên Hóa) đã hấp dẫn nhiều du khách và nhiếp ảnh gia, mở ra cơ hội phát triển du lịch cộng đồng tại các địa phương dọc đôi bờ sông Gianh.
Tiềm năng phát triển du lịch
Vọoc gáy trắng được ông Nguyễn Thanh Tú, một người dân địa phương tìm và phát hiện năm 2012 trên lèn núi đá vôi tại xã Thạch Hóa. Cũng từ đó, ông đã thuyết phục thêm 14 người khác tự nguyện bảo vệ đàn voọc. Năm 2015, Chi cục Kiểm lâm tỉnh phối hợp chính quyền địa phương xác định được khoảng 10 đàn với trên 100 cá thể vọoc gáy trắng ở các xã: Thạch Hóa, Đồng Hóa và Thuận Hóa.
Nhờ sự bảo vệ nghiêm ngặt của địa phương cùng với sự hỗ trợ của các lực lượng chức năng và nhóm bảo vệ tự nguyện, đàn voọc gáy trắng tại các xã nói trên của huyện Tuyên Hóa ngày càng phát triển về tổng lượng đàn.
Theo kết quả điều tra của Trung tâm Nghiên cứu Kiến thức Bản địa và Phát triển (CIRD) phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh tổ chức thực hiện thuộc khuôn khổ dự án Quản trị đất đai khu vực sông Mê Kông tài trợ, hiện nay, có 22 đàn và 156 cá thể Voọc gáy trắng tại 3 khu vực chính là xã Đồng Hóa, Thạch Hóa và Thuận Hóa.
Trong đó, Thạch Hóa là khu vực ghi nhận nhiều nhất với 12 đàn và 91 cá thể; khu vực Đồng Hóa có 9 đàn và 57 cá thể; khu vực Thuận Hóa có 1 đàn với 8 cá thể. Đặc biệt, năm 2020, số lượng con non được sinh ra khá cao so với các năm trước là 14 con. Gần đây, các nhà khoa học cũng phát hiện tại đây một số cá thể khỉ mốc.
Sự xuất hiện của đàn voọc gáy trắng, loài nằm trong sách đỏ Việt Nam và thế giới cùng với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, làng mạc trù phú hai bên bờ sông Gianh với nhiều di tích văn hóa, lịch sử có giá trị, như: hang Lèn Đại Hòa, xưởng chế tạo vũ khí Trần Táo (xã Đồng Hóa)…, là điều kiện thuận lợi, nhiều tiềm năng để phát triển các loại hình du lịch sinh thái, văn hóa và du lịch trải nghiệm.
Ông Ngô Văn Hồng, Giám đốc Trung tâm CIRD cho biết, nếu như trước đây phải cần ống nhòm mới nhìn thấy đàn voọc thì nay, đàn voọc ngày ngày càng dạn dĩ, bằng mắt thường chúng ta cũng có thể nhìn, ngắm chúng vui đùa, tìm kiếm thức ăn trên các tán cây hoặc trên các mỏm đá cheo leo một cách tự nhiên. Nơi đây không chỉ thu hút những người yêu động vật hoang dã trong nước và quốc tế mà còn là địa điểm lý tưởng để các trường học trong và ngoài tỉnh có thể tổ chức cho học sinh khám phá về sự đa dạng sinh học của vùng núi đá vôi Tuyên Hóa cũng như tập tính sinh trưởng của loài voọc gáy trắng, khỉ mốc.
Vừa tình nguyện bảo vệ đàn voọc gáy trắng tại địa phương, tổ bảo vệ vừa là những hướng dẫn viên du lịch tình nguyện, hướng dẫn những người đến để tìm hiểu, nghiên cứu, chụp ảnh, ngắm voọc gáy trắng…
Ông Nguyễn Thanh Tú, nhóm trưởng nhóm tình nguyện bảo vệ đàn voọc chia sẻ: “Việc ngắm, chụp ảnh đàn voọc ở lèn núi đá vôi Tuyên Hóa nay dễ dàng hơn nhiều. Không giống như nhiều nơi, khách đến đợi mãi không thấy voọc, ở Tuyên Hóa, khách đến ngày nào cũng có thể quan sát đàn voọc (nhưng phải hẹn trước thời gian đến), chúng tôi sẽ giới thiệu và hướng dẫn để khách không thất vọng. Thường nếu trời nắng gắt thì cứ tầm 5h sáng là đàn voọc đi kiếm ăn đến 7h sáng là đàn voọc về hang nghỉ ngơi, buổi chiều khoảng 16h lại ra khỏi hang để tìm kiếm thức ăn, khi nhá nhem tối chúng lại về, còn mùa đông thì chúng ra khỏi hang muộn hơn và về sớm hơn. Không chỉ xem chúng bay nhảy, du khách còn có thể ngắm vọoc ở các cửa hang chúng sinh sống qua ống nhòm. Thời gian gần đây, khách du lịch cũng như các đoàn nghiên cứu về đây ngày càng đông, riêng năm 2020, có hơn 100 lượt người tới nơi đây để nghiên cứu, tìm hiểu, khám phá, chụp ảnh về vọoc gáy trắng”.
Giải pháp để phát triển bền vững
Ông Cao Xuân Bình, Chủ tịch UBND xã Thạch Hóa cho biết, hiện địa phương đang định hướng phát triển du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm nhằm chuyển đổi ngành nghề, nâng cao thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, chính quyền cũng như người dân chưa có kinh nghiệm trong việc làm du lịch nên vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc.
Trong đó, tư tưởng của người dân vẫn còn nặng về sản xuất nông nghiệp, chưa dám mạnh dạn đầu tư để phát triển du lịch. Bên cạnh đó, năng lực tài chính, kinh nghiệm làm du lịch, thu hút doanh nghiệp đầu tư…cũng là những cái khó của địa phương trong việc triển khai phát triển du lịch cộng đồng.
Còn theo ông Nguyễn Thế Sơn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tuyên Hóa, để phát huy tiềm năng du lịch của các địa phương cũng như việc tìm hướng phát triển du lịch bền vững, cần tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt của nhóm bảo tồn tự nguyện và người dân địa phương, qua đó, thường xuyên tuần tra giám sát và ngăn chặn các nguy cơ ảnh hưởng đến đời sống của voọc gáy trắng và các sinh cảnh lân cận.
Đồng thời, cần thường xuyên tổ chức các chương trình tập huấn nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về bảo tồn quần thể voọc gáy trắng, môi trường sống của chúng và bảo tồn đa dạng sinh học.
Đặc biệt, nếu phát triển du lịch, cần phải quy hoạch các tuyến và điểm du lịch, không tổ chức tùy tiện làm ảnh hưởng đến môi trường sống của vọoc gáy trắng, ngược lại, cần sự phối hợp của các nhà khoa học để tách đàn khi chúng phát triển với số lượng nhiều, tránh làm ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của người dân. Ngoài ra, cần công nhận tính pháp lý để nhóm bảo tồn tự nguyện yên tâm được tuần tra, bảo vệ rừng, hướng dẫn du khách đến tham quan theo đúng quy định của pháp luật.
Ông Lê Thế Lực, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho hay, để đa dạng hóa sản phẩm du lịch góp phần phát triển kinh tế-xã hội, các địa phương cần tiếp tục bảo vệ nghiêm ngặt đàn voọc gáy trắng, các loài thú quý hiếm thông qua việc tập huấn nâng cao nhận thức cho cộng đồng trong bảo tồn đa dạng sinh học, cùng với đó là các ứng xử trong tiếp cận du lịch, bảo vệ, giữ gìn, tôn tạo giá trị di tích lịch sử, chú trọng quảng bá hình ảnh, cảnh quan thiên nhiên, tiềm năng du lịch. Đặc biệt, cần từng bước thực hiện nghiên cứu thị trường, thị hiếu du khách, xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp, nâng cao chất lượng dịch vụ cho du khách khi đến tham quan.
Việc huyện Tuyên Hóa đã bảo tồn và bảo vệ được đàn voọc quý hiếm, gìn giữ được sinh cảnh và môi trường không chỉ cho voọc mà cho khỉ mốc và các loài thú rừng khác là điều đáng quý. Tuy nhiên, để phát triển du lịch là hướng đi mới, tận dụng tiềm năng thế mạnh đã có, chính quyền địa phương và những người dân nơi đây rất cần sự quan tâm của các sở, ban, ngành, đoàn thể, sự đầu tư của các doanh nghiệp để bảo vệ bền vững hệ sinh thái, xây dựng cơ sở hạ tầng cho du lịch, tuyên truyền rộng rãi và quảng bá hình ảnh để du khách trong nước và ngoài nước biết tới.