Trung Quốc hiện đối mặt với vấn đề già hóa dân số, tỷ lệ sinh giảm cùng số dân tăng tốc độ chậm nhất trong nhiều thập niên, gây ra các thách thức nghiêm trọng về kinh tế và xã hội.
Cuộc tổng điều tra dân số tiến hành năm 2020 công bố vào ngày 11/5 cho thấy dân số nước này chỉ tăng 72 triệu người so với con số thống kê vào năm 2010 – tăng 5.4%, vượt mức 1,41 tỷ người. Đây là mức tăng thấp nhất từ trước đến nay ở Trung Quốc đại lục, kể từ khi nước này bắt đầu thực hiện tổng điều tra dân số vào năm 1953.
Các số liệu cho thấy Trung Quốc sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhân khẩu ảnh hưởng sâu sắc tới tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Đặc biệt, không những phải giải quyết các thách thức liên quan đến vấn đề già hóa dân số, người dân của quốc gia Bắc Á này sẽ phải sống với mức thu nhập trung bình thấp hơn nhiều so với Mỹ và các nước phát triển đang đối mặt với tình trạng tương tự.
Nói cách khác, lực lượng lao động của quốc gia đang già đi trong khi đất nước chưa phát triển hoàn toàn.
Lỗi của quá khứ
Trong khi hầu hết các quốc gia phát triển ở phương Tây và châu Á cũng gặp phải vấn đề này, tình trạng thiếu hụt nhân khẩu của Trung Quốc phần lớn là do áp dụng chính sách một con vào năm 1980 để giảm bớt sự gia tăng dân số. Các quan chức địa phương đã thực thi kế hoạch bằng các biện pháp mạnh mẽ, đôi khi quá hà khắc.
Theo chính phủ Trung Quốc, chính sách này có thể giảm bớt 400 triệu trẻ em chào đời, nhưng cũng làm giảm số lượng phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.
Cuộc khủng hoảng nhân khẩu của Trung Quốc có thể buộc Chủ tịch Tập Cận Bình phải thừa nhận thất bại của chính sách kế hoạch hóa gia đình. Nếu xu hướng này tiếp tục trong tương lai gần, nó có nguy cơ trở thành rào cản trong việc hiện thực hóa “giấc mộng Trung Hoa” của ông Tập – một cam kết dựng xây nền kinh tế thịnh vượng và trẻ hóa quốc gia mà ông muốn ghi dấu ấn trong khoảng thời gian lãnh đạo của mình.
Bắc Kinh hiện chịu áp lực lớn trong quá trình từ bỏ chính sách kế hoạch hóa gia đình, đại tu mô hình kinh tế lâu nay dựa vào dân số khổng lồ với lực lượng lao động dồi dào, cùng với việc lấp đầy những khoảng trống trong chăm sóc sức khỏe và lương hưu.
Liang Jianzhang – giáo sư nghiên cứu kinh tế học ứng dụng tại Đại học Bắc Kinh và là chuyên gia nhân khẩu học – cho biết: “Trung Quốc đang đối mặt với một thách thức cấp bách và nghiêm trọng nhất trên thế giới liên quan đến vấn đề dân số. Đây là một quả bom hẹn giờ đang đếm ngược”.
“Quả bom hẹn giờ nổ chậm”
Tracy Wang – một giáo viên tiếng Anh tại một trung tâm do cô tự thành lập ở thành phố Thành Đô – cho biết tuy đối tượng dạy học của cô là trẻ em nhưng cô không muốn sinh bất cứ đứa con nào.
“Về bản chất, tôi không thích trẻ con lắm – vâng, dù chúng dễ thương – nhưng tôi không muốn sinh hoặc chăm sóc bất cứ đứa trẻ nào”, cô Wang – 29 tuổi nói.
“Trước đây, nhiều người từng nghĩ đó là một suy nghĩ viển vông. Nhưng bây giờ tất cả họ đều hiểu rằng bạn không thể nào cáng đáng được (chuyện chăm sóc con cái)”, cô chia sẻ.
Theo Ning Jizhe, người đứng đầu Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, trong năm 2020, chỉ có 12 triệu trẻ em được sinh ra ở Trung Quốc – đánh dấu bốn năm liên tiếp Trung Quốc đại lục ghi nhận số trẻ sơ sinh giảm.
Ba thập kỷ sau khi chính sách một con được áp dụng, nhiều người Trung Quốc hiện chỉ thích có một con. Theo ông Ning, mức sinh của Trung Quốc chỉ còn 1,3 con/ phụ nữ – con số thấp kỷ lục trong lịch sử Trung Quốc.
Ngày càng có nhiều phụ nữ Trung Quốc trì hoãn việc kết hôn – tỷ lệ này vốn giảm kể từ năm 2014, trong khi tỷ lệ ly hôn tăng liên tục từ năm 2003. Hơn nữa, đất nước đông dân nhất thế giới không có đủ nguồn lực để dựa dẫm vào kế hoạch nhập cư với mục đích tăng dân số. Ngoài ra, quốc gia này cũng đối mặt với tình trạng dư thừa đàn ông trong độ tuổi kết hôn, dẫn đến nạn buôn bán cô dâu từ các quốc gia khác.
Dân số trẻ từng là một trong những thế mạnh của Trung Quốc.
Trong nhiều thập kỷ, Trung Quốc dựa vào nguồn lao động trẻ dồi dào sẵn sàng làm việc với mức lương thấp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ngày nay, giá nhân công ngày càng tăng cao. Các chủ xưởng ở Quảng Châu xếp hàng dài trên đường để năn nỉ người lao động chọn công ty mình. Một số công ty buộc phải chuyển sang sử dụng robot vì họ không thể tìm đủ nhân viên.
Kết quả cuộc tổng điều tra cũng cho thấy dân số đang già đi nhanh chóng. Những người trên 65 tuổi hiện chiếm 13,5% dân số, tăng 8,9% so với năm 2010.
“Già hóa dân số sẽ trở thành một vấn đề cấp quốc gia tồn tại trong lòng Trung Quốc thời gian tới”, ông Ning phát biểu tại cuộc họp báo công bố kết quả điều tra dân số ngày 11/5.
Già hóa dân số cũng tạo áp lực to lớn lên các bệnh viện và hệ thống lương hưu.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đang nhanh hơn nhiều so với hầu hết các quốc gia trên thế giới, tỷ lệ nghịch với quá trình đầu tư của chính phủ vào chăm sóc sức khỏe và các dịch vụ xã hội phục vụ cho nhóm dân số lớn tuổi. Một thách thức trọng tâm đối với Bắc Kinh là làm thế nào để thế hệ trẻ chăm sóc cho đội ngũ những người nghỉ hưu đang ngày càng gia tăng. Những người dưới 14 tuổi chỉ chiếm 18% dân số, tăng nhẹ so với 17% của 10 năm trước.
Bài toán nan giải
Trong những thập kỷ tới, Bắc Kinh sẽ phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn là duy trì tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, giữ vững tính cạnh tranh trên toàn cầu trong khi nguồn lao động bị thu hẹp. Các nhà nhân khẩu học cho rằng đây không phải là vấn đề có thể giải quyết một sớm một chiều.
Giáo sư xã hội học tại Đại học California Wang Feng khẳng định: “Thiếu hụt nhân khẩu sẽ hạn chế nhiều chủ trương đầy tham vọng của Trung Quốc trong tương lai”.
“Trong tương lai gần, nền kinh tế của Trung Quốc có thể không vượt qua được Mỹ. Lý do chính nằm ở sự khác biệt về nhân khẩu học”, Julian Evans-Pritchard – nhà kinh tế cấp cao về Trung Quốc tại công ty nghiên cứu Capital Economics – cho biết.
Cuộc điều tra dân số có thể thúc đẩy các nhà hoạch định chính sách nới lỏng hơn nữa các hạn chế về kế hoạch hóa gia đình, vốn đã được nới lỏng từ năm 2016. Hiện tại, nhiều chính quyền địa phương cho phép các gia đình có từ ba con trở lên mà không bắt họ phải nộp phạt.
Ngoài ra, chính phủ cũng muốn tăng độ tuổi nghỉ hưu – 60 đối với nam giới và 50 tuổi đối với phụ nữ – để giảm bớt áp lực đối với hệ thống lương hưu. Theo nghiên cứu, quỹ hưu trí nhà nước của Trung Quốc, vốn dựa vào nguồn thu thuế từ lực lượng lao động, có nguy cơ cạn kiệt vào năm 2036.
Tuy nhiên, phương án này cũng tạo ra một loạt các thách thức. Nhiều thanh niên Trung Quốc lo lắng phương án này sẽ khiến họ khó tìm được việc làm hơn. Những người trẻ đã lập gia đình lo ngại họ sẽ không thể gửi con cho bố mẹ nếu ông bà không được nghỉ hưu. Một số người lớn tuổi cho rằng họ sẽ khó tìm hoặc giữ được việc làm trong một xã hội nơi những lao động trẻ tuổi thường được ưu tiên.