Một nghiên cứu của Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) công bố ngày 11/5 cho thấy tổng diện tích rừng tái sinh trên thế giới trong vòng 20 năm qua đủ để phủ kín nước Pháp.
Dựa trên phân tích dữ liệu vệ tinh, một nhóm nghiên cứu của WWF cho hay gần 59 triệu ha rừng đã tái sinh kể từ năm 2000. Theo nghiên cứu này, kể từ năm 2000, rừng Đại Tây Dương ở Brazil đã mọc lại 4,2 triệu ha, gần tương đương diện tích đất nước Hà Lan. Cũng trong thời gian này, 1,2 triệu ha rừng phương bắc (boreal forest) đã được tái sinh ở phía Bắc Mông Cổ. Một số diện tích rừng ở miền Trung châu Phi và Canada cũng được khôi phục.
Các nhà nghiên cứu cho rằng diện tích rừng được khôi phục trong 20 năm qua có khả năng hấp thụ 5,9 gigatonne khí CO2 – nhiều hơn tổng lượng khí phát thải hằng năm của Mỹ. Ông John Lotspeich, Giám đốc điều hành Trillion Tree, một liên minh gồm các tổ chức hoạt động môi trường tham gia nghiên cứu, cho rằng những dữ liệu trên đã tạo cơ hội để môi trường tự nhiên hồi phục.
Các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy những khu rừng được khôi phục bằng cách tự nhiên hoặc nhờ sự tác động của con người, như trồng cây bản địa hoặc rào chắn rừng để ngăn chặn việc chăn thả gia súc. Các nhà khoa học đã chứng minh bảo vệ và khôi phục rừng là giải pháp chống biến đổi khí hậu tốt hơn trồng cây bởi những khu rừng hiện nay không chỉ hấp thụ khí gây hiệu ứng nhà kính nhiều hơn mà còn bảo vệ động vật hoang dã và đa dạng sinh thái.
Ông William Baldwin-Cantello, thuộc WWF chi nhánh tại Anh, nhận định việc khôi phục rừng tự nhiên sẽ ít tốn kém hơn, hữu ích cho hệ sinh thái hơn là trồng rừng.
Những dấu hiệu đáng khích lệ nói trên là điều hiển nhiên, đồng thời cảnh báo thế giới đang mất các khu rừng với tốc độ “đáng sợ”, nhanh hơn nhiều so với tốc độ rừng được tái sinh. Theo nghiên cứu, diện tích rừng Đại Tây Dương của Brazil hiện nay chỉ bằng 12% so với diện tích ban đầu của nó và cần tăng gấp đôi diện tích rừng này để đạt ngưỡng tổi thiểu nhằm duy trì sự bảo tồn.
Những phương thức mới để bảo tồn rừng tái sinh
Các nhà nghiên cứu từ Thụy Sĩ và Hawaii tuyên bố họ đã tìm ra cách sử dụng bã cà phê để thúc đẩy sự tái sinh của những khu rừng bị phá hủy do quá trình nông nghiệp gây ra.
Một nghiên cứu mới cho thấy rằng bã cà phê, một phế phẩm của quá trình sản xuất cà phê, có thể được sử dụng để tăng tốc độ phục hồi rừng nhiệt đới trên đất sau nông nghiệp. Các phát hiện đã được công bố trên tạp chí Ecological Solutions and Evidence của Hiệp hội Sinh thái Anh.
Tiến sĩ Rebecca Cole, tác giả chính của nghiên cứu cho biết: “Kết quả thật ấn tượng. Khu vực được xử lý bằng một lớp bã cà phê dày đã biến thành một khu rừng nhỏ chỉ trong hai năm trong khi lô đối chứng vẫn bị chi phối bởi các loại cỏ phi bản địa.”
Nghiên cứu được thực hiện tại hạt Coto Brus ở miền nam Costa Rica trên một trang trại cà phê trước đây đang được phục hồi thành rừng để bảo tồn. Vào những năm 1950, khu vực này đã trải qua nạn phá rừng nhanh chóng và chuyển đổi đất sang trồng cà phê và đồng cỏ, với độ che phủ của rừng giảm xuống còn 25% vào năm 2014 theo các nhà khoa học.
Chỉ sau hai năm, khu vực xử lý bã cà phê đã có độ che phủ 80% so với 20% ở khu vực đối chứng. Tán ở vùng bã cà phê cũng cao gấp 4 lần so với vùng đối chứng. Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng sau hai năm, các chất dinh dưỡng bao gồm carbon, nitơ và phốt-pho đã tăng lên đáng kể trong khu vực xử lý bã cà phê so với đối chứng. Đây là một phát hiện đầy hứa hẹn do đất nông nghiệp nhiệt đới trước đây thường bị thoái hóa cao và chất lượng đất kém có thể trì hoãn quá trình diễn thế rừng trong nhiều thập kỷ.
Tiến sĩ Cole cho biết: “Nghiên cứu điển hình này cho thấy rằng các phụ phẩm nông nghiệp có thể được sử dụng để tăng tốc độ phục hồi rừng trên các vùng đất nhiệt đới bị suy thoái.
“Trong các tình huống mà việc chế biến các sản phẩm phụ này gây ra chi phí cho ngành nông nghiệp, việc sử dụng chúng để phục hồi nhằm đáp ứng các mục tiêu tái trồng rừng toàn cầu có thể đại diện cho một kịch bản ‘đôi bên cùng có lợi’.” Là một sản phẩm phế thải có sẵn rộng rãi có nhiều chất dinh dưỡng, nhóm nghiên cứu tin rằng bã cà phê có thể là một chiến lược phục hồi rừng hiệu quả về chi phí..
Mặc dù hàng năm diện tích rừng trồng mới không phải nhỏ, song tốc độ tàn phá rừng lại lớn hơn nhiều, làm nhiều khu rừng hoang hoá trơ trọi, trở thành đất trống. Rừng nguyên sinh, rừng phòng hộ đầu nguồn cũng bị tàn phá. Vì vậy, đã kéo theo bao hậu quả khôn lường như một số loài lâm sản cùng một số loài thú quý hiếm có nguy cơ diệt chủng. Rừng bị tàn phá như vậy đã ảnh hưởng xấu đến hệ môi trường sinh thái và gây ra lũ lụt nghiêm trọng trong những năm vừa qua, ảnh hưởng đến toàn cầu.
Môi trường xanh đem lại hơi thở tự nhiên tốt lành cho cuộc sống nên cộng đồng hãy chung tay hành động vì hành tinh xanh. Hằng năm mỗi người trồng 5 cây thì trong tương lai không xa màu xanh trên Trái Đất sẽ phục hồi. Mọi hành trình lớn đều bắt đầu từ những bước chân nhỏ.