Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) vừa có công điện gửi sở NNPTNT các tỉnh: Hòa Bình, Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và TP Đà Nẵng đề nghị tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng.
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia và Cục Kiểm lâm, nắng nóng sẽ kéo dài trong những ngày tới, cụ thể trong tháng 5 và tháng 6 tới có thể xảy ra từ 4 – 5 đợt nắng nóng, trung bình nhiệt độ phổ biến từ 35-37 độ C, có nơi nhiệt độ lên đến 40 độ C, tình trạng nắng nóng, khô hanh kéo dài dẫn đến nguy cơ xảy ra cháy rừng là rất lớn.
Để chủ động các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng, giảm thiểu tối đa cháy rừng và thiệt hại do cháy rừng gây ra, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp đề nghị giám đốc sở NNPTNT các tỉnh cấp bách tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các cơ quan truyền thông trên địa bàn tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của nhân dân trong thực hiện các quy định về quản lý và bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng.
Chỉ đạo UBND các cấp và các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về phòng cháy, chữa cháy rừng coi đây là nhiệm vụ trọng tâm.
Chỉ đạo các đơn vị, chủ rừng chủ động rà soát các phương án phòng cháy chữa cháy rừng đã xây dựng.
Đảm bảo lực lượng ứng trực 24/24 giờ; bố trí lực lượng canh phòng, kiểm soát chặt chẽ người vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy cao.
Khi có cháy rừng xảy ra, chỉ đạo các ngành chức năng khẩn trương điều tra làm rõ nguyên nhân, đối tượng gây cháy rừng, xử lý nghiêm người có hành vi vi phạm và trách nhiệm quản lý của người đứng đầu khi để xảy ra cháy rừng.
Chỉ đạo các lực lượng liên ngành (kiểm lâm, công an, quân đội và các lực lượng có liên quan) thực hiện quy chế phối hợp trong công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng; có các phương án bảo đảm về lực lượng, vật tư, trang thiết bị và hậu cần để ứng phó, xử lý các tình huống trong phòng cháy, chữa cháy rừng.
Đồng thời, đề nghị giám đốc sở NNPTNT các tỉnh chỉ đạo chi cục kiểm lâm tăng cường cán bộ kiểm lâm xuống các trọng điểm cháy rừng để tham mưu cho cấp chính quyền cơ sở thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.
Hướng dẫn xây dựng các phương án phòng chống cháy rừng như: Yêu cầu các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trên địa bàn phải thực hiện đăng ký thời gian đốt xử lý thực bì trồng rừng và đốt nương làm rẫy tại UBND cấp xã (trưởng thôn, kiểm lâm địa bàn) để theo dõi, chỉ đạo nhằm kiểm soát quá trình sử dụng lửa trong xử lý đốt thực bì.
Trong những ngày nắng nóng, cấp dự báo cháy rừng ở cấp IV (cấp nguy hiểm) và cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm) nghiêm cấm mọi hành vi sử dụng lửa trong, gần rừng và đốt, xử lý thực bì trồng rừng, đốt nương làm rẫy.
Hướng dẫn chủ rừng thực hiện xử lý thực bì theo phương pháp đốt trước có kiểm soát tại nơi có điều kiện áp dụng để giảm vật liệu cháy ở các khu rừng có nguy cơ xảy ra cháy cao; làm mới, tu sửa đường băng cản lửa, các công trình phòng cháy, chữa cháy rừng.
Chỉ đạo theo dõi thường xuyên thông tin cảnh báo cháy rừng và điểm cháy trên hệ thống thông tin cảnh báo cháy sớm tại địa chỉ website:http://kiemlam.org.vn để kiểm tra, phát hiện sớm điểm cháy rừng.
Thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo ngay sau khi phát hiện cháy rừng về Cục Kiểm lâm theo quy định để đảm bảo thực hiện tốt công tác phối hợp chỉ đạo và huy động lực lượng chữa cháy rừng trong trường hợp cần thiết.
Năm 2020, cả nước xảy ra 179 vụ cháy rừng, giảm 92 vụ (35%) so với năm 2019. Diện tích rừng thiệt hại do cháy là 645 ha, giảm 1.331 ha (giảm 68%) so với cùng kỳ năm 2019.