Theo một nghiên cứu mới, số phận của các rạn san hô trên khắp thế giới sẽ ngày càng nghiệt ngã nếu tình trạng ấm lên toàn cầu do biến đổi khí hậu tiếp tục diễn ra với tốc độ hiện tại.
Nghiên cứu mới được công bố hôm 10.5 trên Tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences cho thấy, các rạn san hô sẽ ngừng phát triển trong thập kỷ tới trừ khi lượng khí thải nhà kính giảm đáng kể.
Các nhà nghiên cứu thực vật biển tại Đại học Victoria Wellington ở Australia đã phân tích dữ liệu từ 183 rạn san hô trên toàn thế giới để ước tính tác động của hiện tượng ấm lên và axit hóa đại dương, vốn đang gây ra các mối đe dọa ngày càng tăng đối với hệ sinh thái dưới nước.
Theo tình huống xấu nhất mà các nhà nghiên cứu đưa ra, 94% tổng số rạn san hô có thể bị xói mòn vào năm 2050. Sự suy giảm được dự báo sẽ nghiêm trọng đến mức rạn san hô sẽ ngừng phát triển vào năm 2100.
Nếu các rạn san hô ngừng phát triển, sẽ có những tác động tiêu cực đến hàng loạt đa dạng sinh học cư trú trong các hệ sinh thái của nó. Ngoài ra, những rạn san hô này cũng mang lại doanh thu hàng tỉ USD cho nghề đánh bắt hải sản và du lịch trên khắp thế giới, đồng thời bảo vệ các bờ biển nhiệt đới khỏi những mối nguy hiểm, chẳng hạn như bão.
Tác giả chính của nghiên cứu – ông Christopher Cornwall – cho hay: “Nếu mực nước biển tiếp tục dâng cao do biến đổi khí hậu, các rạn san hô sẽ không còn khả năng bảo vệ bờ biển vì sản lượng sẽ không thể theo kịp với lượng băng tan”.
Theo các nhà nghiên cứu, hy vọng duy nhất để các hệ sinh thái rạn san hô duy trì ở mức gần nhất có thể với hiện tại là giảm nhanh, giảm mạnh lượng khí thải carbon dioxide.