Phó Giáo sư Trần Đắc Phu cho biết Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã phân tích và nhận định các ổ dịch hiện tại có liên quan đến nhau, cơ bản kiểm soát được.
Bộ Y tế vừa tăng cường bản tin ca bệnh vào buổi trưa thay vì 2 khung giờ cố định như trước. Ngày 10/5, 125 bệnh nhân Covid-19 đã được công bố – con số cao kỷ lục. Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang…, tiếp tục phong tỏa, cách ly hàng loạt địa điểm.
Trả lời Zing sau khi vừa kết thúc cuộc họp của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống Covid-19, Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho hay điểm sáng của đợt dịch đang bùng phát là chúng ta cơ bản đã biết được nguồn lây.
Số ca tăng do năng lực xét nghiệm được nâng lên
– Số ca mắc Covid-19 liên tục tăng, thậm chí cao kỷ lục. Điều này có đáng lo ngại?
– Hiện, số ca mắc Covid-19 mới tăng lên do các địa phương và bệnh viện đẩy mạnh việc truy vết các F1, F2 để cách ly và làm xét nghiệm. Nhờ tăng cường xét nghiệm F1 tại các ổ dịch đã được khoanh vùng. Phần lớn các ca bệnh được công bố trong mấy ngày hôm nay là trong các khu cách ly, đã được kiểm soát. Có thể trong một vài ngày tới, số ca bệnh tăng lên. Lý do xuất phát từ điều này và cũng chứng tỏ năng lực xét nghiệm nâng lên rất nhiều.
– Ngoài số ca mắc cao, đợt dịch này có sự khác biệt so với các lần trước?
– Phải nói rằng dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia Đông Nam Á, đe dọa trực tiếp Việt Nam, đồng thời sự xuất hiện của các biến chủng khiến SARS-CoV-2 lây lan nhanh, mạnh hơn. Ngay từ trước khi dịch bùng phát, chúng ta đã nhìn thấy nguy cơ và liên tục có các cảnh báo những điều này.
Đợt dịch này, Việt Nam ghi nhận đa ổ dịch, đa nguồn lây và đa biến chủng. Vừa qua, điều tra các ổ dịch, chúng tôi thấy có nguồn lây bệnh trong không gian kín như quán karaoke, bar, quán bia…, những chỗ tiếp xúc đông người. Ban Chỉ đạo đã họp và cảnh báo điều này.
Trước kia, chúng ta đã có khuyến cáo về vấn đề mở cửa sổ, hạn chế dùng điều hòa… Song thời gian vừa qua, chúng ta lại bỏ bẵng điều này. Bây giờ, chúng ta phải để ý lại vấn đề này.
– Vậy, liệu có điểm sáng nào trong bối cảnh hiện tại?
– Việt Nam ghi nhận nhiều ca mắc Covid-19 và ở nhiều tỉnh, thành song về cơ bản, chúng ta đang có một số ổ dịch như Đà Nẵng, Hà Nam, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện K, Vĩnh Phúc, Yên Bái, Bắc Giang, Bắc Ninh.
Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã phân tích và thấy rằng các ổ dịch có liên quan đến nhau, đã kiểm soát được. Chúng ta cơ bản biết được nguồn lây. Chẳng hạn, ổ dịch Yên Bái, Vĩnh Phúc đều liên quan nhóm chuyên gia Trung Quốc. Bệnh viện K cũng có liên quan Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ổ dịch Hà Nam đã được kiểm soát. Yên Bái, Vĩnh Phúc, Bắc Giang cũng vậy.
Hà Nội đang là ổ dịch với nhiều bệnh nhân nhưng không phải là các ca trong cộng đồng không rõ nguyên nhân.
– Liệu có nguy cơ bùng dịch toàn quốc như nhiều người đang lo ngại?
– Cơ bản các ổ dịch vừa qua là đã kiểm soát được. Nhưng nguy cơ bùng dịch vẫn rất cao nếu chúng ta không cẩn thận, mải chống dịch ở ổ này mà bỏ qua ổ dịch khác. Xuất hiện những ổ dịch ngoài cộng đồng mà chúng ta không biết, không kiểm soát được sẽ rất nguy hiểm.
Bài học vừa qua là chú ý chỗ này lại bùng chỗ khác. Khi chúng ta tập trung, chú ý chống dịch ở vùng biên giới, dịch lại xảy ra ở bệnh viện – vốn là thành trì vững chắc.
Theo tôi, khi không kiểm soát được nguy cơ thì chúng ta phải giãn cách. Ngược lại, nếu kiểm soát được thì không nên giãn cách vì ảnh hưởng rất lớn tới kinh tế, xã hội và người dân.
– Khi có nhiều tỉnh, thành phố ghi nhận ca mắc, ngành y tế cũng như các địa phương khác khó chi viện. Hiện khả năng chống dịch của các địa phương như thế nào?
– Các tỉnh, thành phố hiện cơ bản đang đáp ứng tốt. Họ chủ yếu truy vết tốt, xét nghiệm diện rộng, đáp ứng tốt hơn trước nhiều. Tuy nhiên, tôi cho rằng việc giãn cách xã hội phải phù hợp, cân nhắc. Có địa phương chỉ có 5 ca ghi nhận từ Hà Nội về cũng thực hiện giãn cách.
Tiêm vaccine là biện pháp phòng dịch bền vững nhất
– Ông đã nói vaccine vẫn là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu. Hiện Bộ Y tế có tìm được nguồn vaccine cho Việt Nam?
– Để phòng dịch một cách bền vững nhất thì vẫn phải tiêm vaccine. Khi 60-70% dân số một quốc gia được tiêm vaccine, chúng ta sẽ đạt miễn dịch trong cộng đồng. Việt Nam có 100 triệu dân thì phải tiêm được 60-70 triệu người.
Để đối phó với dịch Covid-19, Việt Nam vẫn luôn tuân thủ nguyên tắc “ngăn chặn phát hiện sớm, truy vết thần tốc, khoanh vùng dập dịch, cách ly và điều trị hiệu quả”. Chiến dịch này đã giúp Việt Nam thành công thời gian qua. Về phòng bệnh, chúng ta phải tuân thủ biện pháp 5K và tiêm vaccine.
Bộ Y tế đang tích cực tìm kiếm các nguồn vaccine, đồng thời đẩy mạnh quá trình sản xuất vaccine trong nước. Hiện, Việt Nam mới tiêm được một triệu liều vaccine AstraZeneca hoàn thành vào 15/5 và chờ lô hàng tiếp theo của COVAX Facility.
– Thực tế, các ổ dịch vừa qua ghi nhận ở quán bar, karaoke, thẩm mỹ viện. Nhiều ý kiến cho rằng nên tiêm vaccine cho những người hoạt động trong lĩnh vực này?
– Đối tượng này nhiễm virus do không thực hiện biện pháp 5K, họ tụ tập đông người, trong phòng kín… Nếu tuân thủ, tình hình đã khác. Hiện, bất cứ ai cũng cần tiêm vaccine Covid-19 nhưng chúng ta phải ưu tiên đối tượng chống dịch. Do đó, điều quan trọng hiện nay là phải thực hiện các biện pháp phòng bệnh theo khuyến cáo 5K của Bộ Y tế, nhất là những trường hợp như bạn vừa nói.
– 18 bệnh nhân Covid-19 tại Việt Nam nhiễm biến chủng Ấn Độ. So với các biến chủng khác, biến chủng Ấn Độ có nguy hiểm hơn?
– Chủng virus mới của Ấn Độ xuất hiện tại Việt Nam và có thời gian lây nhiễm rất nhanh, chỉ trong 1-2 ngày các trường hợp F1 nhanh chóng thành F0, và cũng chỉ trong vài ngày, F2 trở thành F0 nên chúng ta phải hết sức cảnh giác. Với biến chủng mới, Việt Nam vẫn giữ chiến lược phát hiện sớm, truy vết thần tốc, khoanh vùng dập dịch, cách ly và điều trị hiệu quả và thực hiện xét nghiệm.
Về phía người dân, tôi lưu ý chúng ta không nên quá lo lắng song không được chủ quan. Tất cả phải chủ động phòng bệnh. Tôi thấy thực tế khi dịch tạm ổn, nhiều người không thực hiện các biện pháp bảo vệ, đến khi dịch bùng phát thì lại lo lắng.
Chúng ta phải lưu ý luôn luôn phải thực hiện 5K, trong đó, việc khai báo y tế rất quan trọng. Bởi khi cần thiết, các cơ quan y tế có thể dựa vào những thông tin này để truy vết và tư vấn phòng, chống dịch cho chúng ta.