Tại các tỉnh ven biển đông dân cư của Trung Quốc, mực nước biển đang dâng cao hơn bao giờ hết.
Theo báo cáo thường niên công bố hồi cuối tháng 4 của Bộ Tài nguyên Trung Quốc, mực nước biển ở nước này đã dâng cao trung bình 3,4mm một năm trong khoảng năm 1980 – 2020, tăng từ mức trung bình 2,6mm trong 30 năm vào năm 2010.
Báo cáo cho biết trong 30 năm tới, mực nước tại các khu vực ven bờ biển của Trung Quốc dự kiến sẽ dâng từ 55mm đến 170mm, do đó cần có các hành động để ngăn chặn.
“Trung Quốc nên bảo vệ các bờ biển của mình… và cải thiện khả năng thích ứng với mực nước biển dâng” – nội dung báo cáo cho hay.
Theo ông Benjamin Horton – Giám đốc Đài quan sát Trái đất thuộc Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore – mức tăng được báo cáo ngang bằng với các số liệu toàn cầu – ước tính chính xác nhất cho thấy mức tăng trung bình toàn cầu trong thập kỷ qua là 3,6mm mỗi năm.
“Mực nước biển đang tăng chủ yếu do nhiệt độ toàn cầu đang tăng lên, khiến nước biển dâng lên và băng trên đất liền tan chảy” – ông Horton nói, lưu ý rằng 1/3 mức tăng hiện tại đến từ sự giãn nở nhiệt của nước do trái đất nóng lên, phần còn lại là do băng tan.
Bộ Tài nguyên Trung Quốc cho biết, vào năm 2020, nhiệt độ trung bình trên toàn thế giới cao hơn 1,2 độ C so với trước khi con người bước vào thời kỳ tiền công nghiệp.
Báo cáo của Bộ chỉ ra, mực nước biển dâng làm gia tăng triều cường, xói mòn và xâm nhập mặn, ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng tại các tỉnh Chiết Giang và Quảng Đông.
Báo cáo cũng cho hay, bất chấp những cải thiện tổng thể để hạn chế xói mòn bờ biển kể từ năm 2019, tình trạng xói mòn ở Liêu Ninh, Giang Tô, Phúc Kiến và Quảng Tây đã trở nên tồi tệ hơn. Tại Diêm Thành, tỉnh Giang Tô, nước biển đã xâm nhập sâu hơn vào đất liền tới 42m trong năm 2020.
Các tỉnh Liêu Ninh, Hà Bắc và Giang Tô đang lo ngại tình trạng nước mặn ngày càng xâm nhập, gây ảnh hưởng đến nguồn cung cấp nước ngọt.
Thêm vào đó, các hoạt động khai thác nước ngầm của Trung Quốc cũng đang gây ra tình trạng sụt lún đất.
John Moore – nhà khoa học trưởng tại viện Thay đổi Toàn cầu và Khoa học Hệ thống Trái đất trực thuộc Đại học Sư phạm Bắc Kinh – cảnh báo một hệ quả khác cần quan tâm là tần suất lũ lụt ngày càng tăng khi mực nước biển dâng cao.
Ông nói: “Mực nước biển trung bình có tác động đáng kể đến tần suất xuất hiện trở lại của các trận lũ lớn”. Điều này có nghĩa rằng khi nước biển dâng cao thêm 30cm, những trận lũ lụt từng xảy ra với tần suất ”100 năm 1 lần” thì nay sẽ trở nên thường xuyên hơn hàng năm.
Nhà khoa học Moore dự báo vào năm 2100, các đại dương trên thế giới có thể tăng mức nước thêm 1 mét. Trong trường hợp xấu nhất khi tình trạng mất băng ở Nam Cực vẫn chưa được giải quyết, mực nước biển có thể tăng thêm 2 mét.
“Nam Cực là một khối băng khổng lồ, có kích thước gấp đôi Australia, với độ dày từ 2-3km. Nó có đủ nước để nâng mực nước biển dâng lên 65 mét. Nhưng chỉ cần một vài phần trăm băng ở Nam Cực tan chảy, nó sẽ có thể gây ra những tác động tàn khốc” – ông John Moore cảnh báo.