Nhóm 28 nhà khoa học đã xác định được 26 loài và phân loài bướm Úc có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất kèm ước tính chúng có thể sẽ biến mất trong vòng 20 năm.
Nhưng cơ hội cứu vãn vẫn còn nếu môi trường sống của chúng được bảo vệ.
Đầu bảng nguy cơ là loài bướm Australian fritillary – loài có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất trong 20 năm với khả năng tuyệt chủng lên đến 94%. Như nhiều loài bướm khác, mối đe dọa lớn mà loài này phải đối mặt là mất môi trường sống và thay đổi môi trường sống. Các đầm lầy – nơi sinh sống của các loài phù du – đã bị rút cạn để làm nông nghiệp và đô thị hóa. Tại các đầm lầy còn lại, cỏ dại bao phủ các loài hoa violet bản địa mà ấu trùng sống phụ thuộc vào để kiếm thức ăn. Ngoài ra, một phần do Australian fritillary nằm trong số nhiều loài bướm có chế độ ăn uống đặc biệt nên khiến chúng dễ bị tổn thương trước những thay đổi của môi trường như phát quang thảm thực vật, cỏ dại xâm lấn và hỏa hoạn.
Sau 2 thập kỷ, cho đến nay vẫn không có bất cứ thông tin hoặc bức hình nào được ghi nhận về loài này. Chúng có thể đã tuyệt chủng nhưng vì từng xuất hiện rộng khắp các khu vực đầm lầy dọc 700 km ven biển Queensland và New South Wales nên các nhà khoa học vẫn nuôi hy vọng tái phát hiện chúng. Họ kêu gọi bất cứ ai ghi nhận được thông tin, hình ảnh, địa điểm liên quan đến loài này thì hãy liên hệ với Bộ Kế hoạch Công nghiệp và Môi trường New South Wales.
Sở hữu vẻ ngoài lộng lẫy và từng xuất hiện phổ biến trong các khu rừng rậm brigalow trải dài 14 triệu ha khắp Queensland và New South Wales nhưng loài bướm pale imperial hairstreak (tên khoa học Jalmenus eubulus) cũng đang đối mặt với 42% khả năng tuyệt chủng trong vòng 20 năm. Nguyên nhân chính là do hơn 90% diện tích đất rừng brigalow đã bị phát quang và phần còn lại chủ yếu nằm trong các khoảnh nhỏ bị suy thoái và bị cỏ dại xâm chiếm.
Nghịch lý là mặc dù hầu hết các loài được xác định có nguy cơ tuyệt chủng nhưng chỉ 6 trong số 26 loài bướm được đưa vào danh sách bảo vệ theo luật pháp Úc. Dù vậy, các nhà khoa học tin rằng vẫn còn cơ hội phục hồi tốt cho hầu hết các loài nếu chính phủ và cộng đồng thực thi nỗ lực bảo tồn mới, có mục tiêu, chẳng hạn như bảo vệ môi trường sống của các loài bướm khỏi việc dọn sạch rừng và cỏ dại, quản lý hỏa hoạn tốt hơn và thiết lập thêm các nhà máy thức ăn phù hợp hơn cho sâu bướm.
Điểm đáng lưu ý khác là hầu hết các loài bướm trong nhóm nguy cơ đều xuất hiện trên nhiều loại đất, bao gồm đất bảo tồn, đất công và đất tư nhân. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, chỉ riêng các khu bảo tồn thiên nhiên là không đủ để đảm bảo sự tồn tại lâu dài của chúng. Nhiều chủ đất không nhận ra rằng họ là những người trông coi quan trọng đối với những loài bướm quý hiếm bị đe dọa cũng như tầm quan trọng của việc không dọn sạch những mảng thực vật bản địa còn sót lại trên khu đất của họ.
Bằng cách nâng cao nhận thức về những loài bướm và những rủi ro mà chúng phải đối mặt, các nhà khoa học kêu gọi chính phủ, các nhóm bảo tồn và cộng đồng dành thời gian để hành động nhằm ngăn chặn sự tuyệt chủng của chúng. Nếu không có những nỗ lực bảo tồn mới, chúng ta sẽ không chỉ đánh mất các yếu tố độc đáo của thiên nhiên Úc mà còn cả các dịch vụ hệ sinh thái quan trọng mà các loài bướm cung cấp, chẳng hạn như thụ phấn.
Hồng Ngọc (Theo theguardian.com)