Hàng trăm điểm xả thải vào hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn Hà Nội có nguy cơ gây ô nhiễm nhưng chưa được các cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Điều này làm gia tăng nỗi lo ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt và sản xuất.
Số liệu điều tra, thống kê từ 4 DN thủy lợi trực thuộc UBND TP cho thấy, tính đến tháng 5/2021, Hà Nội có đến 1.889 điểm xả thải vào hệ thống công trình thủy lợi. Đáng chú ý, 882 điểm xả thải trong tổng số nêu trên có nguy cơ gây ô nhiễm. Cụ thể, 209 điểm công nghiệp, 48 điểm đô thị, 48 điểm làng nghề và 577 điểm xả thải từ hoạt động chăn nuôi.
Trong 4 DN thủy lợi, Công ty TNHH MTV đầu tư phát triển thủy lợi sông Nhuệ có nhiều điểm xả thải tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm nhất với 339 điểm. Tiếp đó lần lượt là các công ty TNHH MTV đầu tư phát triển thủy lợi: Sông Đáy 275 điểm, sông Tích 139 điểm và Hà Nội 129 điểm.
Mặc dù có đến 882 điểm xả thải vào công trình thủy lợi có nguy cơ gây ô nhiễm, tuy nhiên theo hồ sơ quản lý của các DN, chỉ có… 31 điểm được các cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Trong đó, chủ yếu là các điểm xả thải công nghiệp và từ các trang trại chăn nuôi. Số liệu điểm xả thải nêu trên mới thống kê được từ các công ty, xí nghiệp, khu đô thị đổ ra hệ thống kênh, mương do các DN thủy lợi quản lý. Phần lớn nguồn xả thải của các cơ sở sản xuất, làng nghề, hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm và khu vực dân sinh là xả vào kênh nội đồng và được thống kê thành điểm xả thải chung.
Liên quan đến việc xác định chủ nguồn thải, thực tế hiện nay các đơn vị chức năng còn gặp không ít khó khăn. Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Nội Chu Văn Tuấn cho biết, các điểm xả thải lớn, có tính chất chung cho cả thôn xóm, vùng dân cư rộng lớn thường không xác định được chủ nguồn thải cũng như quy mô và tính chất xả thải. Một số điểm xả thải vào hệ thống kênh tiêu, sông, suối chưa được thống kê đầy đủ.
Đại diện Chi cục Thủy lợi Hà Nội cũng cho biết thêm, lượng nước thải mới chỉ được xác định đối với các trường hợp có cấp phép, còn lại các điểm xả khác chưa được xác định, do không có căn cứ cũng như thiết bị quan trắc và kinh phí thực hiện. Đây là những hạn chế, bất cập lớn khiến công tác quản lý hiện nay gặp nhiều khó khăn, cần có sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, ban ngành và chính quyền địa phương để có thể giải quyết triệt để trong thời gian tới.