Sư tử nuôi nhốt và sư tử hoang dã mang tổng cộng 63 mầm bệnh (bao gồm ký sinh trùng, vi khuẩn và virus) có thể gây ra khoảng 83 bệnh và các triệu chứng lâm sàng. Một số mầm bệnh này có thể được truyền từ sư tử sang các loài khác bao gồm cả con người. Đây là nội dung cảnh báo được đề cập trong một bài báo khoa học do các nhà bảo tồn thuộc Tổ chức Blood Lions và Hiệp hội Bảo vệ Động vật Thế giới là đồng tác giả.
Dựa trên nghiên cứu về mầm bệnh từ loài sư tử, Blood Lions chỉ ra 5 căn bệnh có khả năng lây lan sang người và ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, bao gồm: bệnh ehrlichiosis ở người, bệnh lê dạng trùng ở người, bệnh giun đũa chó mèo, bệnh giun xoắn và bệnh ngủ châu Phi.
Hai bệnh đầu tiên là các bệnh truyền nhiễm với vật chủ là ve, có khả năng lây sang người nếu một con ve bị nhiễm bệnh nhảy từ sư tử sang người. Hai loại bệnh tiếp theo lây lan qua giun đũa ký sinh và sự lây truyền có thể xảy ra nếu con người tiếp xúc với đất bị ô nhiễm hoặc ăn thịt sống và chưa được nấu chín. Bệnh ngủ châu Phi (còn được gọi là bệnh trypanosomiasis) được lây truyền qua ruồi xê xê. Bệnh này đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) liệt vào danh sách “bệnh nhiệt đới bị lãng quên”, có nghĩa là căn bệnh này không nhất thiết được coi là vấn đề sức khỏe cần được ưu tiên mặc dù nó gây ra một số dịch bệnh trên khắp châu Phi, chủ yếu ở những cộng đồng khó khăn về kinh tế.
Mặc dù không có căn bệnh nào trong số này được biết là có thể lây truyền từ sư tử sang người nhưng nhà bảo tồn Louise de Waal thuộc Blood Lions cho biết điều này luôn có khả năng xảy ra, đặc biệt là khi con người tiếp xúc gần với sư tử tại các trang trại như Pienika.
Năm 2019, giới thanh tra bảo vệ quyền lợi động vật đã đến trang trại Pienika, một cơ sở nuôi nhốt sư tử ở tỉnh Tây Bắc, Nam Phi. Họ chứng kiến những cá thể sư tử ốm yếu [E4] sống trong điều kiện được mô tả là “kinh khủng”: 27 cá thể bị nhiễm bệnh ghẻ nặng; 01 cá thể bị nhiễm ve ký sinh; các cá thể con co giật trong bùn đất, mắc chứng rối loạn thần kinh; hàng chục cá thể bị nhồi nhét trong những chiếc chuồng chật hẹp vốn chỉ dành cho một vài cá thể; thức ăn thối rữa và phân vương vãi khắp mặt đất. Đây là điều kiện lý tưởng để mầm bệnh phát triển và lây lan, De Waal nhấn mạnh.
Đáng chú ý là nhiều cơ sở nuôi nhốt sư tử phục vụ khách du lịch muốn trải nghiệm tour “vỗ về sư tử” hoặc “đi dạo với sư tử”, một số thì nuôi sư tử phục vụ mục đích du lịch và giết thịt lấy da cùng các bộ phận cơ thể…, do đó tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh, trước tiên là với những người dọn dẹp chuồng trại, cho sư tử ăn, chăm sóc thú y đến những bộ phận giết mổ sư tử và cuối cùng là khách du lịch.
Tại một số trang trại, sư tử được nuôi gần với các loài khác như báo hoa mai, hổ và báo đốm. Do đó, khả năng lây bệnh giữa các loài động vật cũng rất cao. Liên minh Sư tử từng cảnh báo bệnh lao bò vốn được ghi nhận ở cả sư tử nuôi nhốt và sư tử hoang dã cũng có thể lây truyền giữa sư tử và người. Trong một bức thư gửi WHO vào năm ngoái, Liên minh này khuyến nghị đóng cửa các trang trại nuôi nhốt sư tử cũng như các chợ động vật hoang dã và các cơ sở động vật hoang dã khác để giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh.
Theo ước tính của chính phủ, hiện có khoảng 366 cơ sở đang nuôi 8.000 cá thể sư tử ở Nam Phi nhưng theo De Waal, có tới gần 450 cơ sở nuôi nhốt 12.000 cá thể sư tử trên khắp khu vực này. “Chưa bao giờ có một cuộc kiểm toán toàn diện về ngành công nghiệp sư tử. Và những con số trên vẫn liên tục thay đổi vì những con vật này bị chuyển từ chủ nuôi này sang chủ nuôi khác. Chúng bị săn bắt hoặc bị giết để lấy xương” – De Waal cho biết.
Mặc dù mỗi cơ sở có điều kiện nuôi nhốt khác nhau nhưng quyền lợi động vật thường không phải là mối quan tâm hàng đầu ở nhiều nơi. Từ năm 2016 đến 2017, Đơn vị Bảo vệ Động vật Hoang dã (NSPCA) đã kiểm tra 95 cơ sở nuôi nhốt sư tử trên khắp Nam Phi, qua đó phát hiện gần một nửa số cơ sở đang nuôi sư tử trong điều kiện không đạt tiêu chuẩn, phần lớn không đảm bảo số lượng chuồng trại, an toàn vệ sinh, chế độ ăn uống, các hoạt động bổ trợ và thiếu dịch vụ chăm sóc thú y cho sư tử bị thương hoặc bị bệnh. Các thanh tra đã công bố danh sách 32 cơ sở chưa tuân thủ quyền lợi động vật và 18 cơ sở khác nhận cảnh báo liên quan đến Đạo luật Bảo vệ Động vật.
Niall McCann, Giám đốc bảo tồn của National Park Rescue và là chủ tịch luân phiên của EndPandemics (Liên minh hoạt động nhằm giảm nguy cơ đại dịch trong tương lai) cho rằng nguy cơ lây truyền giữa sư tử và người thấp hơn so với nguy cơ lây truyền giữa người và các loài như chồn, lợn, chim săn bắn và các loài linh trưởng khác nhưng không phải là không đáng kể.
“Theo tôi, rủi ro là thấp nhưng nó vẫn hiện hữu. Các điều kiện nuôi nhốt mà nhiều cá thể sư tử đang phải trải qua chính là yếu tố thúc đẩy sự phát triển của virus, gây ra sự lan truyền dịch bệnh từ động vật sang người. Việc nuôi nhốt động vật trong điều kiện chật chội bất thường, mất vệ sinh và căng thẳng sẽ khuyến khích sự ức chế miễn dịch, tạo điều kiện để mầm bệnh nảy sinh ở những cá thể đó” – ông nói.
De Waal nhấn mạnh rằng đây là thời điểm thích hợp để Nam Phi đánh giá lại ngành công nghiệp sư tử, đặc biệt là khi đại dịch Covid-19 khiến hoạt động du lịch nuôi nhốt sư tử đi vào bế tắc. Trong vài năm qua cũng không có hạn ngạch xương sư tử nào được đưa ra sau khi Tòa án tối cao của Nam Phi ra phán quyết hạn ngạch năm 2017 với 800 xương sư tử và hạn ngạch năm 2018 với 1.500 xương sư tử là bất hợp pháp và vi hiến.
“Ngành công nghiệp này đang lao đao. Vì vậy, thời điểm thích hợp nhất để chấm dứt ngành này chính là bây giờ” – De Waal phát biểu.
Ngọc Hiền (Theo Mongabay)