Theo một nghiên cứu được công bố ngày 28/4 trên tạp chí khoa học Nature, gần như tất cả các sông băng trên thế giới đang tan với tốc độ nhanh chóng. Điều này có thể sẽ ảnh hưởng đến các dự báo về việc giảm khối lượng của các tảng băng trong tương lai.
Nghiên cứu đưa ra cái nhìn tổng quan nhất về nguyên nhân chính làm cho mực nước biển dâng là do các khối băng tan trên khoảng 220.000 sông băng trên toàn cầu.
Một nhóm các nhà khoa học quốc tế sau khi phân tích hình ảnh giai đoạn từ năm 2000 đến năm 2019 từ vệ tinh Terra của NASA, đã phát hiện ra các sông băng trung bình mỗi năm mất khoảng 267 gigaton băng, ngoại trừ các tảng băng ở Greenland và Nam Cực đã bị loại khỏi nghiên cứu trước đó. Cụ thể, 1 gigaton băng có khả năng lấp đầy Công viên Trung tâm của Thành phố New York và cao 341 mét.
Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng sự giảm khối lượng sông băng tăng nhanh qua các năm. Từ năm 2000 đến năm 2004, các sông băng mất 227 gigaton băng mỗi năm, tuy nhiên con số đó đã tăng lên trung bình 298 gigaton mỗi năm sau năm 2015. Sự tan băng đã tác động đáng kể đến mực nước biển khoảng 0,74 milimét mỗi năm, tương đương 21% mực nước biển dâng tổng thể được quan sát thấy trong thời gian này.
Các nhà khoa học cho biết, các sông băng có xu hướng tan nhanh hơn trước tác động của biến đổi khí hậu và hiện đang là nguyên nhân chính làm mực nước biển dâng cao hơn so với các tảng băng ở Greenland và Nam Cực.
Đồng tác giả của nghiên cứu, ông Robert McNabb, một nhà khoa học viễn thám tại Đại học Ulster, Vương quốc Anh cho biết, nghiên cứu trên có thể giải đáp những lỗ hổng quan trọng trong nhận thức và giúp công tác dự đoán về sự giảm khối lượng của các tảng băng chính xác hơn. Ngoài ra, các nghiên cứu trước đây khảo sát các sông băng riêng lẻ chỉ chiếm khoảng 10% diện tích băng trên hành tinh.
Các nhà khoa học từ lâu đã cảnh báo rằng nhiệt độ ấm lên do biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng sâu sắc đến các sông băng và tảng băng trên toàn cầu. Điều này đã góp phần làm cho mực nước biển dâng cao hơn và đe dọa các thành phố ven biển đông dân trên thế giới. Theo các báo cáo mới nhất của dự án Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu, mực nước biển sẽ dâng cao hơn một mét vào năm 2100.
Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra một số sông băng ở Alaska, Iceland, Alps, dãy núi Pamir và Himalayas nằm trong số những nơi bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi sự tan băng. Các sông băng cung cấp một nguồn nước quan trọng đối với các cộng đồng sinh sống lân cận, và sự suy giảm của chúng có thể dẫn đến tình trạng thiếu nước và lương thực nghiêm trọng. Ông McNabb lo ngại khi những khu vực này đang chứng kiến tốc độ tan chảy của sông băng ngày càng nhanh.
Các nhà khoa học cho biết, một khi băng tan, có thể sẽ phải mất nhiều thập kỷ hoặc thế kỷ mới có thể tái tạo bởi vì nó được hình thành tích tụ từ năm này qua năm khác. Bà Twila Moon, chuyên gia tại Trung tâm Dữ liệu Băng và Tuyết Quốc gia Mỹ cảnh báo phải giảm nhiệt độ toàn cầu mới có thể làm chậm quá trình tan băng.
Theo các nhà khoa học, trong giai đoạn từ năm 2000 đến 2019, tốc độ tan băng đã chậm lại, cũng như ở bờ biển phía Đông của Greenland. Họ cho rằng đó là do sự ảnh hưởng bất thường của thời tiết dẫn đến lượng mưa cao hơn và nhiệt độ giảm xuống.
Ông McNabb cho rằng bức tranh tổng thể của nghiên cứu là sự giảm thiểu “nhanh chóng” của khối lượng băng. Đồng thời cũng không có dấu hiệu nào cho thấy tình trạng này sẽ sớm chuyển biến ngoài việc hạn chế sự tan băng bằng cách giảm lượng khí thải.