Sáng 27/4, tại Hà Nội, Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) phối hợp với Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) tổ chức hội thảo “Đánh giá toàn cầu IPBES: nghiên cứu điển hình tại Việt Nam”.
Hội thảo ngoài mục đích công bố bản dịch báo cáo đánh giá toàn cầu IPBES về Đa dạng sinh học và các Dịch vụ hệ sinh thái còn giới thiệu các nghiên cứu điển hình về kết quả áp dụng khuyến nghị của đánh giá toàn cầu của IPBES vào bối cảnh trong nước và thảo luận cho những giải pháp và đề xuất này. Bên cạnh đó, nâng cao năng lực cho các nhà hoạch định chính sách về vai trò vững chắc của các dịch vụ môi trường và đa dạng sinh học đối với phát triển bền vững nền kinh tế và ổn định chính trị, các rủi ro do biến đổi khí hậu gây ra với các hệ sinh thái và cách tiếp cận tổng hợp nhằm giải quyết cả khủng hoảng đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu.
Tại buổi Hội thảo, các đại biểu đã được nghe 5 bài trình bày về đa dạng sinh học và phát triển kinh tế và nghiên cứu điển hình bao gồm: Cách tiếp cận kinh tế chính trị đối với môi trường ở Việt Nam; báo cáo tóm tắt đánh giá toàn cầu về đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái của IPBES; những nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu của CBD, đáp ứng theo các khuyến nghị từ báo cáo của IPBES; chuyển đổi việc trồng lúa sang tiếp cận cảnh quan tại đồng bằng sông Cửu Long nhằm khôi phục các dịch vụ hệ sinh thái và đa dạng sinh học; quản lý hiệu quả các khu bảo tồn biển và những rào cản.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Thành, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết: Đa dạng sinh học có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế, xã hội và môi trường của đất nước, là cơ sở đảm bảo an ninh lương thực; duy trì nguồn gen vật nuôi, cây trồng; cung cấp các vật liệu cho xây dựng và các nguồn nhiên liệu,dược liệu. Tuy nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học tại Việt Nam đang gặp phải những thách thức lớn như khai thác quá mức, mất, suy giảm chất lượng sinh cảnh, ô nhiễm môi trường sông, sinh vật ngoại lai xâm hại và biến đổi khí hậu toàn cầu. Bên cạnh đó, việc tiêu thụ và và sử dụng sản phẩm từ động vật hoang dã cũng đang gây áp lực đến sự đa dạng sinh học.
Báo cáo đánh giá toàn cầu IPBES đã chỉ ra, các hệ sinh thái tự nhiên đã suy giảm trung bình 47%, khoảng 25% các loài đang bị đe dọa tuyệt chủng. Trên cạn, các hệ sinh thái đặc biệt nhạy cảm gồm rừng nguyên sinh, các hệ sinh thái cực đoan và đất ngập nước ước tính có khoảng 25% đất đai là chưa bị ảnh hưởng quá mức khi các quá trình sinh thái và tiến hóa vẫn hoạt động với sự can thiệp tối thiểu của con người.
Các hệ sinh thái biển và ven biển đang suy giảm nhanh chóng. Độ che phủ của san hô sống trên các rạn san hô đã giảm gần một nửa trong 150 năm qua. Trữ lượng cá bị khai thác quá mức chiếm tới 33% và hơn 55% diện tích đại dương trở thành nơi đánh bắt qui mô lớn. Tính toàn vẹn sinh học giảm trung bình 23% ở các quần xã trên cạn, sinh khối toàn cầu của các loài thú hoang dã giảm 82% và 72% các chỉ số do người bản địa và cộng đồng địa phương cho thấy sự suy thoái của các yếu tố tự nhiên đang tiếp tục diễn ra.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do chuyển mục đích sử dụng đất và biển; khai thác trực tiếp các sinh vật; biến đổi khí hậu; ô nhiễm và các loài ngoại lai xâm lấn.
Báo cáo cũng đã đề xuất một số giải pháp chính, đó là tăng cường hợp tác quốc tế và gắn với các biện pháp phù hợp ở địa phương sử dụng 5 đòn bẩy: Xây dựng các khuyến khích và nâng cao năng lực rộng rãi về trách nhiệm môi trường và loại bỏ những khuyến khích sai trái; cải cách quá trình ra quyết định theo ngành và theo lộ trình để thúc đẩy hợp tác giữa các lĩnh vực và khu vực pháp lý; thực hiện các hành động có tính ngăn chặn và phòng ngừa trong các cơ quan quản lý và các doanh nghiệp để tránh, giảm thiểu và khắc phục sự suy thoái của thiên nhiên và giám sát kết quả thực hiện; quản lý các hệ thống xã hội và sinh thái có khả năng chống chịu khi đối mặt với sự không chắc chắn và phức tạp, để đưa ra các quyết định chắc chắn trong nhiều kịch bản; và tăng cường thực thi chính sách và luật pháp môi trường.
Theo TS. Hoàng Thị Thanh Nhàn, Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, Tổng cục Môi trường, báo cáo của IPBES là một báo cáo hết sức quan trọng cung cấp một bức tranh toàn cảnh về xu hướng đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái trên toàn cầu trong 50 năm qua và là bằng chứng để đánh giá tiến độ thực hiện các mục tiêu Đa dạng sinh học Aichi, Chương trình nghị sự Phát triển bền vững 2030, các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) và thỏa thuận Paris về Biến đổi Khí hậu, đồng thời là cơ sở để xây dựng Khung Đa dạng sinh học toàn cầu sau 2020 sẽ được thông qua tại Hội nghị lần thứ 15 của các Bên tham gia Công ước Đa dạng Sinh học (CBD).
Đánh giá toàn cầu về Đa dạng sinh học và các dịch vụ hệ sinh thái đã được thực hiện bởi khoảng 150 chuyên gia được lựa chọn từ tất cả các khu vực trên thế giới, bao gồm 16 nghiên cứu sinh trẻ, với sự hỗ trợ, đóng góp của 350 tác giả. Hơn 15.000 ấn phẩm khoa học cũng như một lượng lớn kiến thức bản địa và địa phương đã được phân tích. Các Chương của báo cáo đã được thông qua và bản tóm tắt báo cáo dành cho các nhà hoạch định chính sách đã được phê duyệt bởi hơn 130 Chính phủ là Thành viên của IPBES, tại phiên họp toàn thể lần thứ 7 của IPBES (từ 29/4 đến 4/5/2019), do Pháp tổ chức tại UNESCO tại Paris. |