Đây là kết quả nghiên cứu mới nhất công bố trên tạp chí Nature Geoscience, với khoảng 24,5 triệu km vuông diện tích đất nông nghiệp có nguy cơ ô nhiễm thuốc trừ sâu.
Báo cáo nghiên cứu cho biết, có khoảng trên một phần ba diện tích đất nông nghiệp của hành tinh có “nguy cơ cao” bị ô nhiễm thuốc trừ sâu còn tồn dư trong đất, có thể ngấm vào nguồn cung cấp nước và đe dọa đa dạng sinh học.
Theo báo cáo, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ và thuốc diệt nấm nhiều năm qua thường được nông dân sử dụng rộng rãi để tăng năng suất trong canh tác. Tuy nhiên, chúng gây ra những hậu quả khôn lường đối với sức khỏe con người và môi trường do lượng tồn dư có thể xâm nhập vào các vùng nước thông qua dòng chảy hoặc xâm nhập vào các mạch nước ngầm gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt.
Đặc biệt các loại thuốc trừ sâu như chlorpyrifos đã được chứng minh là có hại cho sự phát triển nhận thức của trẻ em, trong khi những loại thuốc khác có liên quan đến nhiều loại bệnh ung thư. Ngoài ra các loại hóa chất này cũng là mối đe dọa đối với nhiều quần thể động vật hoang dã như ong và chim.
Theo một công bố trên trang Phys.org, vấn nạn ô nhiễm thuốc trừ sâu vẫn tiềm ẩn và đang lan rộng tại nhiều quốc gia. Cụ thể, 34% các khu vực có nguy cơ cao là ở những vùng có sự đa dạng sinh học cao, trong khi 5% ở các khu vực bị khan hiếm nước. Và 19% các khu vực rủi ro cao là ở các nước có thu nhập thấp hoặc trung bình.
Riêng khu vực châu Á là vùng có nguy cơ cao nhất, với Trung Quốc, Nhật Bản, Malaysia và Philippines bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng. Còn tại châu Âu, gần 62% đất nông nghiệp có nguy cơ cao, phần lớn là ở Nga, Ukraine và Tây Ban Nha.
Các nhà nghiên cứu đã xem xét, đánh giá tổng thể 59 loại thuốc diệt cỏ, 21 loại thuốc trừ sâu và 19 loại thuốc diệt nấm và dựa trên các dữ liệu của của Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ và Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO). Sau đó, họ sử dụng một mô hình để ước tính lượng thuốc trừ sâu sẽ còn lại trong đất, khí quyển, nước ngầm và nước mặt.
Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng việc sử dụng thuốc trừ sâu dự kiến sẽ còn tăng lên trong tương lai vì khủng hoảng biến đổi khí hậu và gia tăng dân số.
“Chúng tôi khẩn thiết khuyến nghị nên thực hiện một chiến lược toàn cầu nhằm chuyển đổi sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững và thân thiện với môi trường. Giải pháp trước tiên là cắt giảm lượng thuốc trừ sâu đầu vào thấp đi đồng thời với việc giảm thất thoát lương thực và lãng phí thực phẩm để sớm đạt được một nền sản xuất và tiêu dùng có trách nhiệm”, các nhà khoa học đề xuất.
“Trong điều kiện khí hậu ấm hơn, khi dân số toàn cầu tăng lên, việc sử dụng thuốc trừ sâu dự kiến sẽ tăng lên để chống lại sự gia tăng của các cuộc xâm lược của sâu bệnh và để nuôi sống nhiều người hơn”, đồng tác giả và phó giáo sư Đại học Sydney, Federico Maggi cho biết.
Theo các tính toán, việc sử dụng thuốc trừ sâu chứa hóa chất độc hại đã tăng vọt trên khắp thế giới do hoạt động sản xuất nông nghiệp ngày càng mở rộng, gây ra những lo ngại về môi trường bị hủy hoại.
Các chuyên gia Australia đã lập ra mô hình rủi ro ô nhiễm thuốc trừ sâu tại 168 quốc gia với dữ liệu về việc sử dụng 92 thành phần hoạt chất thuốc trừ sâu và nhận thấy nguy cơ ô nhiễm thuốc trừ sâu trên toàn cầu là “phổ biến”. Theo đó, các nhà khoa học đặc biệt lưu ý ba hệ lụy từ thuôc trừ sâu gồm: hệ sinh thái dễ bị tổn thương, khan hiếm nước và mất đa dạng sinh học.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Geoscience cho thấy, có tới 64% diện tích đất nông nghiệp toàn cầu – tương đương khoảng 24,5 triệu cây số vuông đang thuộc diện có nguy cơ ô nhiễm thuốc trừ sâu do nhiều hơn một thành phần hoạt chất và 31% diện tích có nguy cơ cao.
Fiona Tang, trưởng nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Sydney, cho biết: “Điều này rất đáng báo động bởi tình trạng ô nhiễm thuốc trừ sâu đang lan rộng trong sản xuất nông nghiệp tác động xấu đến sức khỏe cộng đồng. Ngoài ra một số khu vực khác cũng có nguy cơ phải gánh chịu sự mất đa dạng sinh học và khan hiếm nước”.