Các nhà khoa học trên toàn cầu đang cảnh báo rằng các chất ô nhiễm hóa học trong môi trường có thể làm thay đổi hành vi của con người và động vật.
Một diễn đàn khoa học gồm 30 chuyên gia đã đi đến một thỏa thuận thống nhất liên quan đến các chất ô nhiễm hóa học, từ đó thiết lập lộ trình bảo vệ môi trường khỏi các hóa chất gây thay đổi hành vi. GS Alex Ford, chuyên gia về sinh vật học thuộc ĐH Portsmouth (Anh) đã công bố kết quả của công trình này trên tạp chí Environmental Science and Technology.
Trước đây, người ta đã nghiên cứu và đánh giá nguy cơ ảnh hưởng của các chất ô nhiễm hóa học đến tỉ lệ tử vong, sinh sản và phát triển của các loài động vật hoang dã. Mặc dù họ có nghi ngờ về ảnh hưởng đến hành vi song chưa từng có đánh giá hoặc kiểm chứng chính thức nào về vấn đề này. Các nhà khoa học cho rằng điều này cần phải thay đổi.
Để khắc phục vấn đề này, các chuyên gia hàng đầu thế giới đến từ nhiều lĩnh vực liên quan gồm độc học môi trường, các nhà quản lý và chuyên gia đánh giá nguy cơ hóa chất đã tập hợp tại một diễn đàn do Cơ quan môi trường Đức tổ chức gần đây.
GS. Alex Ford giải thích: “Chúng tôi chắc chắn rằng chất ô nhiễm hóa học có thể tác động đến hành vi của con người và động vật hoang dã. Tuy nhiên, khả năng của các nhà khoa học hiếm khi được ứng dụng trong việc quản lý nguy cơ của các hóa chất này để bảo vệ môi trường. Chẳng hạn, các hóa chất dùng trong dược phẩm điều chỉnh hành vi, chẳng hạn như thuốc chống trầm cảm và lo âu, đã được chứng minh làm thay đổi hành vi của cá và các động vật không xương sống khi nghiên cứu trong phòng thí nghiệm. Cũng giống như nhiều loại thuốc kê theo đơn khác, các loại thuốc trên đi ra môi trường qua nước thải”.
Lịch sử cho thấy nhiều ví dụ khác về tác động của các hóa chất dẫn đến thay đổi hành vi. Trong suốt thế kỷ 19, các thành ngữ “dở hơi như thợ làm mũ” hay “điên như họa sỹ” được đặt ra khi người ta phát hiện những người làm nghề này bị thay đổi hành vi do sử dụng chì và thủy ngân. Gần đây, những lo ngại về độc tính kim loại đã dẫn đến việc cấm sử dụng nhiên liệu chứa chì.
Các nhà khoa học không chỉ lo ngại về các chất ô nhiễm rõ ràng như dược phẩm thải ra ngoài môi trường mà còn cảnh báo về những nguy cơ tiềm ẩn như các hóa chất trong nhựa, chất tẩy rửa, vải và các sản phẩm chăm sóc cá nhân.
Diễn đàn đã đưa ra một lộ trình nhằm thúc giục các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý và những người đứng đầu trong lĩnh vực môi trường hành động. Các khuyến nghị bao gồm:
– Cải thiện cơ chế nghiên cứu khoa học về thay đổi hành vi do các chất ô nhiễm.
– Bổ sung yếu tố hành vi trong những thử nghiệm độc tính tiêu chuẩn hiện có và trong tương lai.
– Phát triển cách tiếp cận tích hợp trong đánh giá nguy cơ môi trường, bao gồm cả hành vi, bên cạnh tỉ lệ tử vong, sinh trưởng và sinh sản.
– Nâng cao độ tin cậy của các thử nghiệm hành vi bằng cách thay đổi các phản ứng hành vi.
– Xây dựng hướng dẫn và đào tạo về đánh giá báo cáo liên quan đến nghiên cứu hành vi.
– Tăng cường tích hợp nghiên cứu độc chất học liên quan đến hành vi của con người và động vật hoang dã.
GS. Ford cho biết: “Từ quá trình phát triển dược phẩm và độc chất học trên người, chúng tôi biết rằng các nhà quản lý và doanh nghiệp đã có tiến bộ trong việc áp dụng điểm cuối hành vi (behavioral endpoints) trong đánh giá nguy cơ hóa chất và phát triển thuốc. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chưa thấy điều này được áp dụng đầy đủ khi bàn đến sức khỏe môi trường và ảnh hưởng của hóa chất đến hành vi của động vật hoang dã. Điều thực sự đáng lo ngại là chúng ta chưa hiểu rõ về tác động của các chất ô nhiễm tới hành vi của con người và động vật hoang dã, các quy trình đánh giá hiện nay về vấn đề này cũng chưa phù hợp”.
Thanh An dịch
Nguồn: https://phys.org/news/2021-04-chemical-pollutants-behavior-wildlife-humans.html