Qua điều tra của phóng viên Báo Người Lao Động, các đảo giữa lòng hồ thủy điện Sê San 4 nghi bị lâm tặc dùng làm nơi tập kết gỗ lậu, xây dựng các lò đốt than quy mô lớn hoạt động rầm rộ.
Ngay sau khi Báo Người Lao Động đăng tải thông tin “Lợi dụng các đảo lòng hồ thủy điện để tập kết gỗ lậu?”, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Gia Lai đã cử lực lượng kiểm tra và ngày 26-4 có báo cáo gửi Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh Gia Lai.
La liệt gỗ dưới mặt nước
Từ nhiều năm nay, khu vực lòng hồ Thủy điện Sê San 4 (nằm giáp ranh giữa huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum và huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) là một trong những điểm nóng về vận chuyển gỗ lậu.
Những ngày cuối tháng 4-2021, chúng tôi đã phát hiện khối lượng gỗ lớn được cắt khúc, chất thành đống trên một đảo nhỏ nằm trong lòng hồ thủy điện Sê San 4 (thuộc địa phận xã Ia O, huyện Ia Grai) nên đã báo cho lực lượng kiểm lâm huyện Ia Grai, Đồn Biên phòng Ia O xử lý. Còn dưới lòng hồ, những lóng gỗ nằm đè lên nhau, trải dài hàng trăm mét. Trong đó, có những cây có dấu hiệu đã được ngâm lâu ngày, có những cây dấu vết cưa hạ còn rất mới.
Chỉ tính riêng số gỗ trên bờ, đã có khoảng 200 hộp gỗ xẻ vuông, đường kính khoảng 15 cm, dài hơn 1 m và đã được đưa về Đồn Biên phòng Ia O tạm giữ để điều tra, xác minh, xử lý theo quy định. Riêng số gỗ tròn nằm trên bờ và dưới nước thì cơ quan chức năng đã cử lực lượng đến bảo vệ, chờ xử lý.
Theo tìm hiểu của phóng viên, một số đảo trong lòng hồ thủy điện Sê San 4 nghi bị lâm tặc dùng làm điểm tập kết và trung chuyển gỗ lậu. Gỗ được cất giấu dưới lòng hồ hòng qua mặt sự kiểm tra của lực lượng chức năng. Sau đó, số gỗ này lần lượt được lâm tặc dùng tời máy kéo lên để xẻ hộp rồi tìm cách đưa đi tiêu thụ.
Riêng những cây nhỏ, gỗ tạp giá trị thấp, bìa gỗ… cũng được tận dụng để làm nguyên liệu cho nhiều lò than quy mô lớn, được xây dựng kiên cố.
Tẩu tán tang vật
Tại báo cáo gửi Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh Gia Lai, Sở NN-PTNT tỉnh Gia Lai xác định đảo trên lòng hồ Thủy điện Sê San 4 (thuộc tiểu khu 334, địa giới hành chính xã Ia O) có xảy ra tình trạng tập kết gỗ, củi.
Tại thời điểm kiểm tra, sở phát hiện có 29 lóng gỗ và một số củi, cành, nhánh với khối lượng ước tính khoảng 5 m3 gỗ và 4 ster củi. Ngoài ra, còn 96 hộp gỗ xẻ, khối lượng 2,2 m3 đang tạm giữ trước đó tại Đồn Biên phòng Ia O. Bên cạnh đó, có 3 cái tời cáp thủ công làm bằng gỗ dùng để trục vớt gỗ và 7 lò than đã ngừng hoạt động.
Về nguồn gốc gỗ, Sở NN-PTNT tỉnh Gia Lai cho rằng tất cả là do người dân trục vớt dưới lòng hồ (khu vực này trước đây là rừng, sau đó được chuyển đổi thành lòng hồ Thủy điện Sê San 4). Những khúc gỗ còn sử dụng được người dân dùng để làm nhà, làm vó đánh cá, đóng thuyền; những khúc gỗ, củi nhỏ không tận dụng được người dân cắt khúc để làm củi, đốt than.
Tuy nhiên, chỉ 2 ngày sau khi phát hiện, trình báo lực lượng chức năng, chúng tôi trở lại các đảo này thì hầu như toàn bộ số gỗ tang vật đã bị tẩu tán và đốt bỏ. Trong đó, những khúc gỗ tròn, ngắn đã được đốt còn cháy nham nhở, khói bay nghi ngút. Một số khúc gỗ khác chưa bị đốt nhưng bị đẩy xuống hồ. Riêng những lóng gỗ tròn lớn, dài từ 2-3 m đã biến mất khỏi đảo.
Nghi ngờ số gỗ này được cất giấu dưới mặt nước, chúng tôi lặn xuống tìm kiếm. Tại các vị trí này, vừa đặt chân xuống cách bờ không xa đã giẫm phải các thân gỗ. Các lóng gỗ vẫn nằm la liệt bên dưới. Tuy nhiên, trong lúc chúng tôi lặn mò tìm gỗ tang vật dưới mặt nước, hàng chục người kéo tới la mắng, cầm gậy đe dọa. Sự việc buộc chúng tôi nhờ lực lượng công an tới can thiệp để rời hiện trường.
Đại tá Trần Thanh Bình, Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai, nhận trách nhiệm trong việc chậm phát hiện việc tập kết gỗ tại các đảo bởi phương tiện, thiết bị tuần tra bằng đường thủy còn thiếu nên lực lượng ít tuần tra. “Đối với tang vật ở tại đảo, chúng tôi đã chỉ đạo đồn túc trực, bảo vệ nghiêm hiện trường, tránh việc tẩu tán. Đến giờ, khi báo phản ánh có tình trạng đốt và tẩu tán tang vật thì chúng tôi mới biết. Việc này, tôi sẽ kiểm tra lại và thông tin sau cho báo” – đại tá Bình nói.
Sẽ xử lý nghiêm
Liên quan đến vụ việc, Sở NN-PTNN tỉnh Gia Lai đề nghị UBND tỉnh Gia Lai chỉ đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, UBND huyện Ia Grai chỉ đạo các lực lượng chức năng trên địa bàn quản lý điều tra, xác minh nguồn gốc gỗ, củi tại khu vực đảo trên lòng hồ Thủy điện Sê San 4 và các đối tượng liên quan đến vụ việc để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Đồng thời, chỉ đạo UBND huyện Ia Grai xử lý 7 lò than xây dựng trái phép theo đúng quy định pháp luật. |