Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường vừa có quyết định số 1999/QĐ-BYT về việc điều chuyển 20.000 liều vắc xin trong tổng số 43.700 liều vắc xin AstraZeneca phòng COVID-19 cấp cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương đợt 2 cho 9 địa phương khác gồm Lào Cai và 8 tỉnh khu vực Tây Nam bộ.
Ngoài 5.000 liều cấp cho Lào Cai, 15.000 liều còn lại được cấp cho 8 tỉnh khu vực Tây Nam bộ. Trong đó, Tiền Giang, Bến Tre và Sóc Trăng, mỗi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật 3 tỉnh này nhận 2.000 liều. 5 tỉnh còn lại gồm: Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Bạc Liêu và Cà Mau, mỗi tỉnh nhận 1.800 liều.
Bộ Y tế yêu cầu Dự án Tiêm chủng mở rộng Quốc gia – Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương thực hiện điều chuyển vắc xin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương đến Dự án Tiêm chủng mở rộng khu vực miền Bắc và miền Nam để cung ứng cho các địa phương, đơn vị theo danh sách. Các đơn vị tiếp nhận vắc xin và tổ chức triển khai tiêm chủng theo quy định.
Đến thời điểm này, các tỉnh khu vực Tây Nam Bộ đã và đang tiến hành tiêm chủng vắc xin cả đợt 1 và đợt 2. Công tác tiêm chủng được triển khai theo đúng quy định, đảm bảo an toàn.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, trong thời gian qua, Ban Chỉ đạo Quốc gia và Bộ Y tế liên tục có những cảnh báo với việc có thể xuất hiện đợt dịch thứ 4 ở Việt Nam. Đây là nguy cơ hiện hữu và dịch lần sau thường tàn khốc hơn lần trước.
“Chúng tôi cho rằng, nguy cơ lây nhiễm từ ngoài vào Việt Nam ở khu vực Tây Nam bộ rất lớn cộng thêm dịp nghỉ lễ dài ngày 30/4-1/5 sắp tới nhưng hiện có một bộ phận người dân lơ là, mất cảnh giác với việc phòng chống lây nhiễm COVID-19, không tuân thủ khuyến cáo 5K của Bộ Y tế, đặc biệt không đeo khẩu trang, khử khuẩn. Nếu để xảy ra dịch tại khu vực này sẽ ảnh hưởng mọi mặt từ an sinh, xã hội đến phát triển kinh tế”- Bộ trưởng Bộ Y tế bày tỏ lo lắng. Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị các địa phương kích hoạt toàn bộ hệ thống phòng, chống dịch COVID-19 và coi như đang có dịch; đồng thời coi công tác phòng chống dịch COVID-19 là một nhiệm vụ trọng tâm, quyết tâm kiểm soát và khống chế nếu dịch xảy ra.
Việt Nam đã tiêm cho gần 260.000 người, trong đó, tỷ lệ phản ứng thông thường sau tiêm vắc xin COVID-19 gặp khoảng 30%, thấp hơn báo cáo của châu Âu và nhà sản xuất.
Sau tiêm, các biểu hiện phản ứng là sốt, mệt mỏi, đau chỗ tiêm…Đây là các biểu hiện thường gặp và cũng là những phản ứng thông thường của cơ thể với tất cả các loại vắc xin nói chung và vắc xin phòng COVID-19 nói riêng. Chỉ một số trường hợp xuất hiện phản ứng dị ứng với các mức độ khác nhau, chủ yếu ở mức độ I, rất ít trường hợp ở mức độ II,III. Tất cả các trường hợp này đều được phát hiện kịp thời và xử trí theo đúng phác đồ của Bộ Y tế ban hành.
Đặc biệt, do khâu tổ chức tiêm chủng của chúng ta hết sức bài bản với mục tiêu là đảm bảo an toàn cho người đi tiêm, nên quy trình tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 của Việt Nam khác hẳn so với các quốc gia trên thế giới, trong đó bao gồm cả các nước phát triển, đó là tổ chức thực hiện khám sàng lọc, tư vấn trước tiêm chủng, tổ chức buổi tiêm chủng an toàn, người tiêm được theo dõi sức khỏe tại điểm tiêm ít nhất 30 phút, sau đó tiếp tục được theo dõi sức khỏe tại nhà ít nhất 24 giờ tiếp theo, và tiếp tục theo dõi đến 3 tuần sau khi tiêm…
Các bệnh viện thì luôn sẵn sàng, thường trực đề phòng những trường hợp có phản ứng nặng sau tiêm chủng nhằm bảo đảm an toàn tối đa cho người được tiêm.