Các biến chủng này đều có khả năng “lẩn tránh” hệ miễn dịch, được coi là nguyên nhân khiến Ấn Độ lâm vào khủng hoảng do số ca mắc và tử vong vì Covid-19 ngày càng tăng cao.
Vào tháng 1, đại dịch Covid-19 tại Ấn Độ tương đối được kiểm soát. Tuy nhiên, theo BBC, mới đây, Ấn Độ đã chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng số ca bệnh trong tháng qua.
Chỉ trong vòng 3 ngày gần đây, nước này ghi nhận gần 1 triệu ca mắc Covid-19 mới. Trong đó, 346.786 trường hợp mới được công bố trong 24 giờ qua. Số người tử vong do Covid-19 tại Ấn Độ hiện là 192.311, trong đó, ngày 24/4 là 2.624 người.
Nguyên nhân gây ra tình trạng ca mắc mới tăng nhanh này được cho là các biện pháp phòng ngừa lỏng lẻo. Chính quyền đã cho phép các lễ hội tôn giáo và biểu tình bầu cử hoạt động. Đặc biệt, tình trạng nhiều người tham dự không đeo khẩu trang và giãn cách xã hội càng khiến nguy cơ lây nhiễm ở những sự kiện như vậy trở nên đáng báo động.
Bên cạnh đó, nguyên nhân của sự bùng phát được cho là sự xuất hiện của một số biến chủng mới ở Ấn Độ. Các biến chủng SARS-CoV-2 đang lưu hành trên khắp Ấn Độ, chịu trách nhiệm cho sự leo thang nhanh chóng.
Biến chủng kép B.1.617
Biến chủng kép ở Ấn Độ mang hai đột biến quan trọng: L452R và E484Q. Cả hai đột biến này đều giúp virus “lẩn tránh” hệ thống miễn dịch. Ngoài ra, đột biến L452R có thể làm tăng nguy cơ lây lan nhanh chóng của các ca bệnh. Biến chủng này rất có thể là nguyên nhân hàng đầu đằng sau sự tăng trưởng đột ngột và đáng kinh ngạc về số lượng ca mắc Covid-19 mới ở Ấn Độ.
Theo Anurag Agrawal, Giám đốc Hội đồng Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Ấn Độ, sau khi Viện Geomomics giải trình tự gene, một số quận của bang Maharashtra, tâm chấn của làn sóng hiện tại, tỷ lệ lây nhiễm biến chủng kép lên tới hơn 60%.
B.1.617 xuất hiện trong các mẫu bệnh phẩm ở 10 bang của Ấn Độ. Ông Agrawal dự đoán số lượng này sẽ tăng lên bởi hai đột biến quan trọng khiến nó có khả năng lây nhiễm, kháng miễn dịch.
Rakesh Mishra, Giám đốc Trung tâm Sinh học Tế bào và Phân tử, có trụ sở tại Hyderabad, chịu trách nhiệm dự án giải trình dự gene nCoV, cảnh báo: “Biến chủng lần này lây lan nhanh hơn bất kỳ chủng nào đã phát hiện trước đó. Không sớm thì muộn, nó sẽ trở thành chủng phổ biến của toàn Ấn Độ”.
Biến chủng B.1.617 cũng mang đột biến đáng chú ý khác, P681R. Tuy nhiên, đột biến này không phải là mới và đã là một phần của các biến chủng trong thời gian qua.
B.1.617 ban đầu được phát hiện vào tháng 10/2020 và sau đó đã được phát hiện ở nhiều quốc gia, bao gồm Anh, Mỹ, Đức, Australia, New Zealand, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Nigeria.
B.1.618 hay “chủng Bengal”
Theo India Today, khi Ấn Độ phải chiến đấu với làn sóng lớn thứ hai của các trường hợp Covid-19 và biến chủng kép của virus, nước này cũng phải đối mặt mối đe dọa mới – biến chủng đột biến ba, B.1.618.
Dựa trên trình tự được phân tích bởi Viện Di truyền Y sinh Quốc gia (NIBMG) có trụ sở tại Tây Bengal, các chuyên gia cho biết biến chủng B.1.618 có một tập hợp các đột biến di truyền nổi bật. Trong đó, đột biến chính E484K giúp virus có thể bám vào tế bào người và “lẩn tránh” hệ thống miễn dịch.
Các nhà khoa học đã tìm thấy biến chủng này trong các mẫu bệnh phẩm ở 4 bang: Maharashtra, Delhi, Tây Bengal và Chhattisgarh. Do xuất hiện chủ yếu ở Tây Bengal, nó được đặt tên là “chủng Bengal” và có khả năng lây nhiễm thậm chí còn cao hơn cả biến chủng kép B.1.617. Biến chủng này cũng đã được tìm thấy ở nhiều quốc gia khác như Mỹ, Thụy Sĩ, Singapore và Phần Lan, nhưng không có đầy đủ các đột biến được tìm thấy ở Ấn Độ.
Chia sẻ với Times of India, nhà nghiên cứu Vinod Scaria, tại Viện Nghiên cứu Di truyền và Sinh học Tích hợp CSIR ở Ấn Độ, cho biết biến chủng này có thể đã phát triển từ B.1.167 – các chuyên gia cho rằng có khả năng đứng sau sự gia tăng Covid-19 trong nước gần đây.
“Nói cách khác, bạn có thể không an toàn với biến chủng này ngay cả khi trước đó bạn đã bị nhiễm bởi một chủng khác, hoặc đã được tiêm phòng”, Sreedhar Chinnaswamy, nhà nghiên cứu thuộc Viện Quốc gia về Gene Y sinh ở Ấn Độ, cho biết.
Về việc liệu biến chủng đột biến ba này có lây lan mạnh, gây tử vong hay kháng thể hệ miễn dịch cao hơn hay không, các nhà khoa học cho biết hiện còn nhiều điều chưa rõ ràng, kể cả khả năng tái nhiễm cũng như nhiễm bệnh dù đã tiêm vaccine. Theo họ, cần có thêm dữ liệu thử nghiệm để đánh giá hiệu quả vaccine ngừa Covid-19 đối với biến chủng này.
Nhưng mối đe dọa mới này vẫn đáng lo ngại, vì hệ thống chăm sóc sức khỏe của Ấn Độ đang phải vật lộn với làn sóng ca bệnh Covid-19 thứ hai. Các bệnh viện trên cả nước phải đối phó với tình trạng thiếu hụt nguồn cung cấp oxy y tế nghiêm trọng. Hôm qua, 6 bệnh viện ở nước này thông báo đã hết oxy khi số lượng bệnh nhân tăng đột biến.