Đề phòng mưa đá, lũ quét và sạt lở đất tại Bắc Bộ

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng – Thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp bị nén bởi không khí lạnh nên hôm nay 26-4, ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ tại các tỉnh miền núi. Các tỉnh phía đông Bắc Bộ trời chuyển mát, vùng núi có nơi chuyển lạnh. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lốc, sét và mưa đá: cấp 1.

* Các thành phố miền trung từ Thừa Thiên Huế trở vào, ngày hôm nay 26-4 và hai ngày tới đều có chỉ số UV khoảng mức từ 9 đến 10, mức có nguy cơ gây hại rất cao. Khu vực Nam Bộ có mức chỉ số UV cực đại ngày ở mức từ 9 đến 10, mức có nguy cơ gây hại rất cao. Từ ngày 27-4 mức chỉ số UV giảm ở khu vực miền Tây Nam Bộ còn ở ngưỡng từ 7 đến 8, mức có nguy cơ gây hại cao.

* Đến nay, hầu hết các xã thuộc huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên) xuất hiện dịch bệnh viêm da nổi cục với gần 300 con trâu, bò mắc bệnh và có 14 con trâu, bò chết với trọng lượng 2,7 tấn phải tiêu hủy. Huyện đang tăng cường kiểm tra, giám sát việc cách ly gia súc bị nhiễm bệnh, thực hiện các biện pháp tiêu độc khử trùng, phun hóa chất diệt trừ vật trung gian truyền bệnh.

* Nhằm kiểm soát tình hình dịch chồng dịch trên vật nuôi đang diễn ra phức tạp trên địa bàn, tỉnh Quảng Bình đã cấp bốn tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch bệnh (mua vắc-xin phòng dịch, hóa chất, vật tư dụng cụ…). Các địa phương trong tỉnh đã tiếp nhận 80.300 liều vắc-xin viêm da nổi cục trên trâu, bò và đang tổ chức tiêm đại trà.

* Theo Cục Thú y, tính đến nay, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của các tỉnh Nam Bộ bị thiệt hại là hơn 3.730 ha; trong đó, thiệt hại trên tôm nước lợ hơn 3.466 ha, chiếm 92,3% trong tổng diện tích thủy sản nuôi bị thiệt hại; thiệt hại trên các loài thủy sản khác khoảng 104 ha, chủ yếu là diện tích nuôi một số loài thủy sản nước ngọt. Dự báo năm 2021, diện tích tôm nuôi bị thiệt hại có thể tăng mạnh và nguy cơ dịch bệnh trong thời gian tới là rất cao do thời tiết bất lợi, người nuôi tôm bắt đầu tăng thả nuôi.

* Thời gian gần đây, tình trạng người dân tự phát nuôi tôm thẻ chân trắng ở các huyện vùng Đồng Tháp Mười (Long An) tái diễn và đang có xu hướng tăng cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp. Ngành nông nghiệp đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo không cho phép người dân nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng nước ngọt có sử dụng muối, khoan giếng lấy nước mặn để tạo môi trường nước lợ nuôi tôm…

* Ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh đã chuẩn bị hơn 85 tấn Chlorine để hỗ trợ nông dân xử lý môi trường nước phòng bệnh cho tôm nuôi trong điều kiện thời tiết giao mùa. Đồng thời khuyến cáo, nông dân vùng ven biển không thả nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng tập trung mà nên bố trí nuôi rải vụ để hạn chế rủi ro thiệt hại do thời tiết, môi trường nước đang diễn biến xấu, khó lường.

* Theo Tổng Cục Phòng, chống thiên tai, mưa lớn kèm theo dông, lốc chiều 23-4 tại huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận, làm hư hỏng một nhà và một số diện tích cây trồng. Ngay sau khi thiên tai xảy ra, chính quyền địa phương đã tổ chức hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại, ổn định đời sống.

* Ngày 25-4, Tỉnh đoàn Nghệ An phối hợp Chi cục Kiểm lâm, huyện đoàn Đô Lương tổ chức lễ ra quân phòng chống cháy rừng năm 2021. Toàn tỉnh hiện có hơn 1,2 triệu ha đất nông nghiệp, trong đó 3/4 là đất rừng và đất lâm nghiệp. Thời tiết nắng nóng và việc đốt nương làm rẫy của người dân đang khiến nhiều diện tích rừng có nguy cơ cháy cao. Do vậy, việc phòng cháy, chữa cháy rừng luôn được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các ngành, trong đó có vai trò quan trọng của đoàn viên, thanh niên các cấp.

Nguồn: