Ý tưởng giãn nợ cho các nước nghèo đổi lấy các dự án đầu tư “xanh” được đánh giá là khá toàn diện để giải quyết cùng lúc nhiều vấn đề mà các quốc gia trên thế giới phải đối mặt. Tuy nhiên, dù là rất sáng tạo và xuất phát từ mục tiêu vô cùng tốt đẹp, song ý tưởng này liệu có khả thi và thực hiện được hay không chắc chắn đòi hỏi nỗ lực và thiện chí rất lớn từ các quốc gia, dù là nước giàu hay nghèo.
Tại các cuộc họp trong khuôn khổ Hội nghị mùa Xuân của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) diễn ra mới đây, cả IMF và WB đều cho rằng các nước có thu nhập thấp đang chìm trong khủng hoảng kép, vừa chịu áp lực trả nợ, vừa đương đầu thách thức về môi trường và phát triển, khiến họ “rất dễ bị tổn thương”.
Ðại dịch COVID-19 khiến các quốc gia đang phát triển khó khăn hơn trong giải quyết những rủi ro ngày càng nhiều do biến đổi khí hậu và thảm họa môi trường. Với ngân sách vốn đã rất eo hẹp, các quốc gia này luôn phải sử dụng khoản hỗ trợ tài chính khẩn cấp để giải quyết những tác động nghiêm trọng do đại dịch và khủng hoảng kinh tế gây ra. Nợ công của các nước nghèo vốn đã lớn, lại càng tăng cao trong thời kỳ đại dịch. Ước tính của Ngân hàng Thế giới cho thấy COVID-19 đã khiến thế giới có thêm 120 triệu người cực nghèo, hầu hết ở các quốc gia thu nhập trung bình. Thậm chí cho đến khi thế giới đạt được một số kết quả khả quan trong cuộc đấu tranh chống COVID-19 nhờ nỗ lực tích cực chống dịch và tiến trình nghiên cứu, phát triển và tiêm phòng vaccine như hiện nay thì viễn cảnh phục hồi kinh tế lại càng lộ rõ sự chênh lệch giữa các quốc gia. Trong bối cảnh đó, nới lỏng gánh nặng nợ nần cho các nước nghèo được xem là việc làm cấp thiết và có ý nghĩa hơn bao giờ hết nhằm hỗ trợ các nước này sớm thoát khỏi khủng hoảng kinh tế sau đại dịch.
Mặt khác, song song với áp lực trả nợ, các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình lại phải đương đầu với những vấn đề về môi trường. Tình trạng bất ổn kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra đã làm trầm trọng thêm các hạn chế về ngân sách, cản trở khả năng của một số quốc gia trong chuyển đổi sang năng lượng sạch, bảo vệ hệ sinh thái hoặc thay đổi cơ sở hạ tầng để ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu. Chính vì vậy, bằng cách nới lỏng gánh nặng nợ của các chính phủ, các định chế tài chính và chủ nợ có thể giúp các nước nghèo có nguồn lực đầu tư vào các dự án xanh để phục hồi.
Từ thực tế đó, ý tưởng giãn nợ cho các nước nghèo đề xuất gắn việc xóa hoặc giãn nợ với các dự án đầu tư phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, được đánh giá là giải pháp sáng tạo, có ý nghĩa và khá toàn diện để giải quyết cùng lúc nhiều vấn đề mà các quốc gia trên thế giới phải đối mặt, vừa giúp bớt gánh nặng nợ công, vừa thúc đẩy phát triển bền vững.
Không thể phủ nhận rằng sáng kiến này cho thấy nhận thức ngày càng tăng về tình trạng bất ổn kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra, làm trầm trọng thêm các hạn chế về ngân sách và thách thức về nợ, cản trở khả năng của một số quốc gia trong việc chuyển đổi sang một nền kinh tế “xanh”. Thực trạng bất ổn kinh tế đã được thừa nhận rõ ràng, kèm theo đó là những nguy cơ được lường trước và từ đó đề xuất cách tiếp cận toàn diện hơn đối với cuộc khủng hoảng nợ, tình trạng biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học, thay vì chỉ tập trung vào một khía cạnh trong từng thời điểm như trước đây.
Thực tế đã cho thấy nền kinh tế thế giới tăng trưởng, đem lại lợi ích cho hàng trăm triệu người, song lại đẩy hệ sinh thái của trái đất rơi vào tình trạng xuống cấp hoặc đang bị sử dụng thiếu bền vững. Nguyên nhân là do tăng trưởng kinh tế trong hàng thế kỷ qua đều chủ yếu thông qua khai thác tài nguyên thiên nhiên, không chú ý nhiều tới khả năng tự tái tạo, khiến hệ sinh thái đang ngày càng xuống cấp nghiêm trọng. Thực tế đó đòi hỏi thế giới phải nhanh chóng chuyển đổi sang một nền kinh tế “xanh” và hướng tới phát triển một cách bền vững.
Nền kinh tế “xanh” ghi nhận giá trị đầu tư vào tự nhiên, nhằm bảo vệ đa dạng sinh học. Nó cũng cung cấp các cơ hội đa dạng cho phát triển kinh tế và xóa đói, giảm nghèo mà không làm xói mòn tài sản tự nhiên của quốc gia. Điều này đặc biệt cần thiết ở các nước có thu nhập thấp, nơi sinh kế chủ yếu của cộng đồng nghèo nông thôn là hàng hóa và dịch vụ hệ sinh thái. Nền kinh tế “xanh” sử dụng năng lượng tái tạo và công nghệ carbon thấp thay thế cho nhiên liệu hóa thạch, vì thế sẽ giảm những rủi ro về biến động giá của nhiên liệu hóa thạch cũng như hạn chế được khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Không những thế, nhiều nghiên cứu cho thấy nền kinh tế “xanh” cũng có khả năng tạo ra nhiều việc làm và là những việc làm bền vững.
Chính vì vậy, ý tưởng “hoán đổi nợ” bằng những dự án “xanh” là một ý tưởng có tính khả thi cao và đặc biệt ý nghĩa giúp thế giới phục hồi sau đại dịch COVID-19 một cách bền vững. Tuy nhiên, để hiện thực hóa được ý tưởng sáng tạo này đòi hỏi phải có thiện chí của tất cả các quốc gia, dù là nước chủ nợ hay nước nghèo mắc nợ, cũng như cần có một lộ trình kèm theo các điều kiện rõ ràng và cụ thể. Xóa nợ hay giãn nợ chắc chắn không phải là việc làm dễ chấp nhận đối với các nước chủ nợ, và nếu đổi lại bằng những dự án “xanh” song không khả thi và thiếu hiệu quả thì có lẽ cũng không được “công bằng”. Trong bối cảnh đó, việc thẩm định các dự án hay tính toán các điều kiện đi kèm một cách hợp lý là việc làm cần thiết và bắt buộc để bảo đảm thực hiện ý tưởng của IMF và WB một cách hiệu quả nhất.
Dù chưa biết liệu ý tưởng có đi vào thực tiễn hay chỉ nằm trên bàn đàm phán, song rõ ràng rằng cách tiếp cận vấn đề đã cho thấy nhận thức của các thể chế tài chính đã nâng lên cũng như ý thức chia sẻ cộng đồng và hướng tới xây dựng một thế giới bền vững đã được thể hiện một cách tích cực. Chia sẻ khó khăn, không để ai lại phía sau cũng chính là một trong những mục tiêu phát triển bền vững mà cộng đồng quốc tế đã cùng nhau cam kết.