Theo nghiên cứu mới, bụi phóng xạ hạt nhân từ các vụ thử bom hạt nhân trong những năm 1950-60 vẫn xuất hiện trong mật ong Mỹ. Mặc dù mức độ phóng xạ hiện nay không nguy hiểm, nhưng mức độ này có thể đã từng cao hơn nhiều vào những năm 1970-80.
“Thật khó tin”, Daniel Richter, nhà khoa học về đất tại Đại học Duke, không tham gia vào công trình này, nói. Nghiên cứu mới cho thấy bụi phóng xạ “vẫn ở ngoài đó và ngụy trang dưới dạng một chất dinh dưỡng cho cây”.
Sau Thế chiến thứ hai, Mỹ, Liên Xô và các nước khác đã cho nổ hàng trăm đầu đạn hạt nhân trong các vụ thử bom trên mặt đất. Khi nổ, các quả bom phát ra phóng xạ của nguyên tố caesium vào tầng trên của bầu khí quyển, và gió đã phân tán phóng xạ ra khắp thế giới, sau đó nó bắt đầu rơi từ trên trời xuống dưới dạng các hạt cực nhỏ. Tuy nhiên, sự phân tán bụi phóng xạ không đồng đều. Ví dụ, nhiều bụi phóng xạ phủ kín bờ biển phía đông nước Mỹ, đo điều kiện gió và mưa trong khu vực.
Hậu quả lâu dài
Phóng xạ caesium có thể hòa tan trong nước, và thực vật có thể nhầm lẫn phóng xạ này với kali, một chất dinh dưỡng quan trọng đối với thực vật có cùng đặc tính hóa học. Để xem liệu thực vật hiện nay có đang hấp thụ phóng xạ caesium và sau đó truyền vào thực phẩm hay không, James Kaste, nhà địa chất học tại Đại học William & Mary, Williamsburg, Virginia, đã giao cho các sinh viên của mình một nhiệm vụ: Thử nghiệm các loại thực phẩm địa phương từ khắp nước Mỹ.
Một sinh viên thử nghiệm trên mật ong từ Raleigh, North Carolina. Trước sự ngạc nhiên của Kaste, mật ong này chứa hàm lượng cesium cao gấp 100 lần so với các loại thực phẩm khác mà các sinh viên thu thập được. Kaste tự hỏi liệu những con ong ở miền đông nước Mỹ, làm công việc thu thập phấn hoa từ thực vật và biến nó thành mật ong, có đang giúp tập trung chất phóng xạ từ các vụ thử bom hay không.
Vì vậy, Kaste và các đồng nghiệp đã thu thập 122 mẫu mật ong thô, sản xuất tại các địa phương từ khắp miền đông nước Mỹ và kiểm tra để tìm chất phóng xạ. Họ đã phát hiện phóng xạ trong 68 mẫu, ở mức trên 0,03 becquerels (đơn vị độ phóng xạ) mỗi kg – có nghĩa là khoảng 870.000 nguyên tử phóng xạ cesium trong một thìa mật ong. Mức độ phóng xạ cao nhất xuất hiện trong một mẫu ở Florida – 19,1 becquerels/kg.
Những phát hiện trên – được công bố trên tạp chí Nature Communications – cho thấy, cách địa điểm thử bom hàng nghìn km và hơn 50 năm sau khi bom nổ, bụi phóng xạ vẫn đang lưu hành qua động thực vật.
Mức phóng xạ đã từng cao hơn rất nhiều
Tuy nhiên, những con số nói trên không có gì đáng lo ngại, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) nói với trang tin Science. FDA cho biết mức phóng xạ được báo cáo trong nghiên cứu mới rất thấp so với ngưỡng 1.200 becquerels/kg – mức giới hạn an toàn thực phẩm. “Tôi không lo lắng gì cả”, Kaste nói thêm. “Bây giờ tôi ăn nhiều mật ong hơn so với trước khi bắt đầu dự án. Và các con tôi cũng ăn mật ong”.
Nhưng phóng xạ cesium phân hủy theo thời gian, vì vậy mật ong trong quá khứ có lẽ đã mang nhiều phóng xạ hơn rất nhiều so với ngày nay. Để tìm hiểu thêm, nhóm của Kaste đã nghiên cứu hồ sơ về việc thử nghiệm cesium trong sữa ở Mỹ – loại thực phẩm vốn được giám sát vì lo ngại về ô nhiễm phóng xạ – và phân tích các mẫu thực vật còn lưu trữ đến ngày nay.
Trong cả hai bộ dữ liệu, các nhà nghiên cứu nhận thấy, mức độ phóng xạ hiện nay đã giảm mạnh kể từ những năm 1960 – một xu hướng tương tự có thể đã xảy ra đối với mật ong. Kaste suy đoán: “Nồng độ cesium trong mật ong có thể đã từng cao hơn 10 lần so với hiện nay vào những năm 1970. Do sự phân rã phóng xạ, những gì chúng ta đo được ngày nay chỉ là một phần nhỏ của mức phóng xạ trước đây.”
Theo Justin Richardson, nhà hóa sinh tại Đại học Massachusetts, Amherst, những phát hiện này đặt ra câu hỏi về việc cesium đã tác động đến loài ong như thế nào trong suốt nửa thế kỷ qua. “Loài ong đang bị xóa sổ bởi thuốc trừ sâu, đồng thời cũng chịu những tác động độc hại khác ít được biết đến hơn, như bụi phóng xạ, vốn có thể ảnh hưởng đến sự tồn tại của loài”.
Sau thảm họa hạt nhân Chernobyl năm 1986, các nhà khoa học cho thấy mức độ bức xạ có thể cản trở sự sinh sản của các đàn ong vò vẽ. Nhưng mức phóng xạ gây cản trở sinh sản của loài ong khi đó cao hơn 1.000 lần so với mức hiện tại được báo cáo trong nghiên cứu mới, Nick Beresford, nhà nghiên cứu phóng xạ tại Trung tâm Sinh thái & Thủy văn Vương quốc Anh, lưu ý.
Vì vậy, mặc dù nghiên cứu mới không đưa ra bất kỳ hồi chuông báo động nào về mật ong ngày nay, nhưng nhấn mạnh rằng cần tìm hiểu cách các chất gây ô nhiễm hạt nhân lưu hành. Thông tin này giúp đánh giá sức khỏe của hệ sinh thái và nông nghiệp của chúng ta, Thure Cerling, nhà địa chất tại Đại học Utah, nói.