Sáng 18-4, Giám đốc Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà, TS Lê Văn Hương thông tin, ba tạp chí quốc tế nổi tiếng về chuyên ngành thực vật học, gồm Brittonia, International Camellia Society và Phytotaxa, vừa công bố bốn loài thực vật mới cho khoa học có xuất xứ từ vườn quốc gia này. Trong đó, hai loài thuộc chi Trà my (Camellia) và hai loài thuộc chi Thu hải đường (Begonia).
Theo TS Lê Văn Hương, các phát hiện mới được đăng trên các tạp chí quốc tế uy tín về chuyên ngành thực vật học, là niềm tự hào của các cán bộ khoa học đang làm việc tại Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà (Lâm Đồng) và cộng sự.
Theo công bố, chi Trà my (Camellia) là chi lớn nhất thuộc họ Chè (Theaceae), với hơn 300 loài đã được ghi nhận trên toàn cầu. Việt Nam và Trung Quốc là hai quốc gia ghi nhận có sự phân bố nhiều nhất các loài thuộc chi này. Những năm gần đây, có nhiều phát hiện và công bố mới các loài thuộc chi này, đã bổ sung đáng kể vào sự đa dạng sinh học cho quốc gia và khu vực.
Hai loài Trà my mới được phát hiện và công bố trong những tháng đầu năm 2021, tại Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà, gồm Trà hoa tí hon (Camellia flosculora Curry, V. S. Le, C. Q. Truong & V. D. Luong, sp.nov.) và Trà my Bidoup (Camellia bidoupensis Truong, Luong & Tran, sp.nov.).
Trà hoa tí hon được thu mẫu lần đầu tại khu vực rừng lùn trên đỉnh núi thuộc khu vực Hòn Giao, Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà. Đây là loài cây gỗ nhỏ đến trung bình, thường xanh, cao từ 3 đến 8m, lá hình mác đến hình trứng thuôn dài và có lông. Cây ra hoa vào tháng 9 – 10, màu trắng, kích thước hoa từ 0,5 đến 0,7cm, đây chính là loài Trà my có kích thước hoa nhỏ nhất thế giới được ghi nhận tới thời điểm hiện tại.
Trà my Bidoup là cây thân gỗ nhỏ đến trung bình, thường xanh, cao từ 3 đến 7m, vỏ cây màu nâu xám. Lá hình tròn rộng hoặc hình elip, dài từ 8 đến 12cm, rộng 3,5 đến 5,5cm, dày. Cây ra hoa cũng vào tháng 9 – 10, hoa màu trắng mỡ gà, đường kính từ 2 đến 2,5cm. Loài này được đặt tên theo địa danh phân bố loài này là Bidoupensis, như một khẳng định của nhóm tác giả về xuất xứ của nó.
Tại Việt Nam, chi Trà my đã được nghiên cứu trong một thời gian dài bởi các tác giả tiêu biểu như: PGS.TS Trần Ninh, Đại học Quốc gia Hà Nội; TS Lương Văn Dũng, Trường Đại học Đà Lạt; TS Lưu Hồng Trường, Viện Sinh thái học Miền Nam… nâng tổng số loài thuộc chi này lên hơn 80 loài, tính đến năm 2021.
Với Thu hải đường (Begonia), tại Việt Nam đã có hơn 90 loài được ghi nhận, nhiều loài có phân bố hẹp và đặc hữu. Hai loài Thu hải đường được công bố gần đây tại Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà là Thu hải đường Hòn Giao (Begonia hongiaoensis C.W.Lin, T.C.Hsu&Luu,sp.nov.) được đặt theo tên một khối núi có mức độ đang dạng sinh học rất cao tại Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà và Thu hải đường Lâm Đồng (Begonia lamdongiana C.W.Lin, T.C.Hsu&Luu,sp. nov.). Loài này cũng được đặt tên theo nguồn gốc xuất xứ là tỉnh Lâm Đồng, nơi đầu tiên phát hiện và thu mẫu loài này. “Hai loài Thu hải đường trên là kết quả của dự án hợp tác “Khảo sát thực vật ở cao nguyên Langbiang, Việt Nam” giữa Trung tâm bảo tồn thực vật tiến sĩ Cecilia Koo (Đài Loan), Viện sinh thái học Miền Nam và Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà”, TS Lê Văn Hương thông tin.
Thu hải đường Hòn Giao là cây thân thảo, cao 20-30 cm, lá không xẻ thùy, không đối xứng, thuôn hình trứng đến trứng rộng, cuống lá dài. Cây ra hoa vào tháng 1 đến 3 hằng năm, cánh hoa màu trắng đến hồng nhạt, bó nhị màu vàng hợp nhất tại đế hoa.
Thu hải đường Lâm Đồng cũng là cây thân thảo, cao hơn 10 cm, nhiều lông. Quả cứng, màu xanh lục nhạt đến màu hồng kem, hình tam giác, dài từ 5 đến 10 mm, rộng từ 4 đến 8 mm. Lá và cuống lá nhỏ, màu xanh lục nhạt đến màu hồng sẫm, dài 8,5 – 25 cm, dày 2,2 – 3,5 mm, phiến lá không đối xứng, hình trứng đến mũi mác, dài 10 – 13,5 cm, rộng 5,5 – 7,5 cm, gốc lá hình tim rõ ràng hơn loài Thu hải đường Hòn Giao, mặt dưới lá màu bạc với nhiều lông. Hoa đơn tính, cuống dài 12 – 23 mm, màu trắng đến hồng, nở vào tháng 9 đến tháng 11 hàng năm.
Giám đốc Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà, TS Lê Văn Hương cho biết, để được công bố một loài thực vật mới cho khoa học phải trải qua quá trình đánh giá nghiêm ngặt và độc lập của các nhà khoa học quốc tế có chuyên môn sâu về những loài, phân loài gần với loài mới được phát hiện. Từ các ý tưởng nghiên cứu ban đầu, xác định vùng khảo sát, thu thập, giải phẫu, tìm những điểm dị biệt, so sánh với hàng trăm mẫu vật, tài liệu trong và ngoài nước, tổng hợp kết quả gửi cho các tạp chí chuyên ngành, trả lời các câu hỏi của phản biện độc lập.
Việc mở rộng hợp tác nghiên cứu và tăng cường các đợt khảo sát thực địa nhằm đánh giá đầy đủ mức độ quần thể, tình trạng bảo tồn cho các loài thực vật chú trọng những loài quý hiếm, vùng phân bố tự nhiên hẹp là một việc làm rất cần thiết trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà. Thông tin này là nền tảng cho việc xây dựng chiến lược, lập quy hoạch, kế hoạch bảo tồn phù hợp cho từng loài, nhóm loài trên cơ sở nguồn lực hiện có.
Việc công bố thêm bốn loài mới cho khoa học, có xuất xứ từ Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà, một lần nữa khẳng định những giá trị đa dạng sinh học rất đặc biệt tại khu vực này.