UBND TP.Hải Phòng chỉ đạo Sở Tài nguyên Môi trường xây dựng phương án, biện pháp ứng phó trong trường hợp không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng; xử lý nghiêm các cơ sở có hoạt động gây ô nhiễm không khí trên địa bàn thành phố theo quy định pháp luật.
Nhằm tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí, giảm thiểu tác động bất lợi đến sức khỏe của người dân và phát triển kinh tế xã hội của thành phố theo hướng phát triển bền vững, UBND TP.Hải Phòng vừa ban hành Chỉ thị 12/CT-UBND ngày 16.4.2021 về việc tiếp tục thực hiện nghiêm túc Quyết định số 985a/QĐ-TTg ngày 1.6.2016 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 2740/QĐ-UBND ngày 7.11.2016 của UBND TP về Kế hoạch hành động quản lý chất lượng môi trường không khí trên địa bàn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025.
Cụ thể, Chủ tịch UBND thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, cùng các cơ quan, địa phương liên quan thực hiện việc đánh giá tình hình chấp hành pháp luật về kiểm soát bụi, khí thải tại các cơ sở công nghiệp, hoạt động giao thông, xây dựng, đề xuất tạm đình chỉ hoặc đình chỉ hoạt động các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo quy định của pháp luật, báo cáo UBND thành phố kết quả thực hiện trong tháng 6.2021.
Sở Tài nguyên Môi trường đề xuất xây dựng và triển khai thực hiện quy hoạch mạng lưới quan trắc chất lượng không khí trên địa bàn thành phố; tiếp tục hoàn thiện các trình tự, thủ tục thực hiện Dự án Trung tâm Điều khiển tích hợp dữ liệu quan trắc môi trường và lắp đặt các trạm quan trắc môi trường tự động giai đoạn I; thường xuyên tổ chức thực hiện các chương trình quan trắc chất lượng không khí định kỳ trên địa bàn; cập nhật, cung cấp thông tin về chất lượng không khí trên địa bàn cho nhân dân và kịp thời cảnh báo khu vực ô nhiễm không khí trên địa bàn thành phố.
Sở chủ trì xây dựng phương án, biện pháp ứng phó trong trường hợp không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng trên địa bàn thành phố; thực hiện công tác kiểm kê nguồn khí thải, quan trắc, đánh giá về ô nhiễm bụi (PM10, PM2.5), hoàn thành và báo cáo UBND thành phố kết quả thực hiện trước ngày 31.12.2021. Cùng với đó, tăng cường kiểm soát đối với các dự án, nhà máy có nguồn thải lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao như: Nhiệt điện than, thép, hóa chất và phân bón hóa học, chế biến và khai thác khoáng sản, xi măng, tái chế phế liệu, xử lý chất thải; khuyến khích các cơ sở sản xuất thay thế các loại máy móc, dây chuyền công nghệ lạc hậu bằng dây chuyền công nghệ hiện đại ít gây ô nhiễm môi trường; giám sát các cơ sở sản xuất thuộc đối tượng phải lắp đặt quan trắc khí thải tự động và truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường theo quy định. Đặc biệt, Sở tập trung xử lý nghiêm các cơ sở có hoạt động gây ô nhiễm không khí trên địa bàn thành phố theo quy định pháp luật.
Các Sở, ngành, quận, huyện và các cơ quan, đơn vị liên quan tổng hợp, báo cáo kết quả triển khai thực hiện về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo UBND thành phố.