Một nghiên cứu chỉ ra rằng chỉ 3% diện tích đất trên thế giới vẫn còn nguyên vẹn về mặt sinh thái với các quần thể khỏe mạnh và môi trường sống không bị xáo trộn, theo Guardian.
Nhóm các nhà khoa học, dẫn đầu bởi tiến sĩ Andrew Plumptre, mới đây công bố nghiên cứu phân tích mức độ “nguyên vẹn” về mặt sinh học của các hệ sinh thái trên Trái Đất.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Frontiers in Forest and Global Change. Nhóm nghiên cứu sử dụng bản đồ phân bố của 7.000 loài từ Danh sách Đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế. Bản phân tích này không bao gồm Nam Cực.
Những khu vực được phân loại “nguyên vẹn” nói trên bao gồm nhiều vùng thuộc rừng nhiệt đới Amazon và Congo, cùng một số cánh rừng và lãnh nguyên phía Đông Siberia, phía Bắc Canada và ở sa mạc Sahara. Các vùng sinh thái này được ghi nhận là chỉ chiếm khoảng 3% diện tích đất trên thế giới.
Điểm chung của những khu vực này là chưa chịu ảnh hưởng từ các hoạt động con người. Nhiều vùng hoang dã của Australia không được liệt kê vào danh sách các khu vực còn “nguyên vẹn” này vì sự tác động của các loài ngoại lai xâm lấn như mèo, cáo, thỏ, dê và lạc đà.
Tuy nhiên, tiến sĩ Plumptre, trưởng nhóm nghiên cứu, thừa nhận rằng con số 3% chỉ là “ước tính tương đối”. Mức độ chính xác của nghiên cứu phụ thuộc nhiều vào bản đồ phân bố của các loài trên thế giới.
Tờ Guardian dẫn lời các nhà nghiên cứu cho biết việc đưa một lượng nhỏ các loài quan trọng vào một số khu vực bị hư hại – như voi hoặc sói – có thể khôi phục trạng thái nguyên vẹn về mặt sinh học của 20% diện tích đất trên thế giới.