Cận cảnh bên trong lán trại của các đối tượng lâm tặc phá rừng tự nhiên ở xã Hồng Thuỷ, huyện A Lưới (Thừa Thiên-Huế).
Khu vực rừng tự nhiên bị chặt phá ở xã Hồng Thuỷ, huyện A Lưới (Thừa Thiên-Huế) mà Người Đưa T in Pháp luật đã phản ánh là địa bàn ý nghĩa chiến lược về quốc phòng – an ninh đồng thời là nơi đầu nguồn nên những cánh rừng ở đây có vai trò cực kỳ quan trọng. Bởi vậy những cánh rừng này luôn được lực lượng chức năng tỉnh Thừa Thiên- Huế chú trọng bảo vệ, gìn giữ.
Bên cạnh lực lượng kiểm lâm chuyên trách, lực lượng biên phòng và các tổ bảo vệ rừng cộng đồng được lập ra để phối hợp ngăn chặn nạn phá rừng… Thế nhưng, những vụ phá rừng tại địa phương vẫn liên tiếp diễn ra, những cánh rừng già còn sót lại vẫn ngày đêm bị xâm hại.
Theo như chia sẻ của người đứng đầu ngành kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên-Huế thì các đối tượng phá rừng tại đây thường đến từ tỉnh Quảng Bình.
Theo như người dân địa phương thông tin thì ngoài người từ Quảng Bình vào khai thác thì còn có nhiều đối tượng lâm tặc là người địa phương. Họ thường vào rừng khai thác và dựng lán trại ở đây nhiều ngày để nghỉ ngơi.
Tại khu vực rừng bị tàn phá ở xã Hồng Thuỷ, không khó để bắt gặp các lán trại của các đối tượng lâm tặc này.
Cũng theo người dẫn đường, trước khi ra khỏi rừng về nghỉ ngơi, các dụng như cưa máy, xăng, dây tời… mà các đối tượng này thường dùng để đốn hạ cây rừng đã được chúng cất giấu kỹ.
Ở một diễn biến khác, chia sẻ với PV, ông Nguyễn Đại Anh Tuấn, Phó Giám đốc sở NN&PTNT, kiêm Chi cục trưởng Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, công tác bảo vệ và quản lý rừng đang được đẩy mạnh theo ảnh viễn thám và máy tính bảng. Chính nhờ phương pháp này, các vụ lấn chiếm rừng đã giảm. Việc bảo vệ chống nạn chặt phá còn gặp nhiều khó khăn vì lực lượng ít, đóng chỗ này lại hở chỗ khác. Các rừng cộng đồng thì địa bàn rừng cách xa nơi ở của người dân nên khó kiểm soát, còn ỉ lại lực lượng kiểm lâm…