Sau hàng loạt các vụ khai thác gỗ trái phép xảy ra trên địa bàn, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai đã thống kê có khoảng hơn 1.000 “lâm tặc” hoạt động tại đây.
Ngày 15/4, UBND huyện Krông Pa đã có báo cáo tình hình xử lý các đối tượng tham gia khai thác, vận chuyển gỗ rừng trái phép trên địa bàn huyện.
Theo báo cáo của UBND huyện Krông Pa, thời gian qua, tình trạng khai thác, vận chuyển, sử dụng gỗ tự nhiên trên địa bàn huyện diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng.
Đặc biệt, lâm tặc khai thác, vận chuyển gỗ rừng tự nhiên một cách công khai, xem thường chính quyền và hoạt động rất tinh vi, có tổ chức, số lượng người tham gia đông. Theo đó, các lâm tặc rất manh động, sẵn sàng chống trả các lực lượng thực thi nhiệm vụ khi bị phát hiện.
Qua thống kê ban đầu, UBND huyện Krông Pa xác định, trên địa bàn có 1.077 đối tượng tham gia khai thác, vận chuyển gỗ rừng tự nhiên. Trong đó, đối tượng người đồng bào dân tộc thiểu số là 763 người, chiếm tỷ lệ 70,84 %.
Trước tình hình khai thác gỗ có chiều hướng phức tạp, UBND huyện Krông Pa đã triển khai thực hiện phương án “chống lâm tặc” trên 14 xã, thị trấn để ngăn chặn tình trạng khai thác, vận chuyển gỗ rừng tự nhiên trái phép. Trong đó, huyện Krông Pa xác định lực lượng công an là nòng cốt để thực hiện theo dõi, mật phục, xử lý vi phạm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và lâm sản.
Cũng theo UBND huyện Krông Pa, trong vòng chưa đầy 1 tháng, lực lượng chức năng huyện đã xử lý 40 đối tượng khai thác, vận chuyển gỗ rừng, thu giữ hơn 30m3 gỗ, tịch thu 40 xe máy độ chế, 3 xe ô tô độ chế và 6 cưa máy.
Trước đó, Báo Nông Nghiệp Việt Nam đã đưa tin, Hạt Kiểm lâm Krông Pa và Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Ba cùng một số lực lượng khác kiểm tra, khám nghiệm hiện trường vụ khai thác gỗ trái pháp luật tại tiểu khu 1432, thuộc lâm phần của Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Ba quản lý.
Tại đây, lực lượng chức năng xác định có 119 cây gỗ bị chặt hạ trái phép thuộc các chủng loại: Bằng lăng, lim xẹt, SP5, ngát, gáo, cóc đá… Theo đó, các đối tượng chặt hạ gỗ bằng cưa xăng và có chọn lọc các loại cây để chặt hạ. Đường kính các cây gỗ bị cưa hạ từ 18-100cm, tổng khối lượng gỗ thiệt hại là 42,468 m3 gỗ và 4,840 ster củi.
Ghi nhận tại hiện trường, các cây gỗ bị chặt hạ đã được cưa thành lóng dài, nhiều cây xẻ thành hộp và được lâm tặc chuẩn bị vận chuyển ra ngoài.
Sau khi khám nghiệm hiện trường, Đoàn liên ngành đã giao Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Ba bảo vệ hiện trường để phục vụ công tác điều tra, xử lý vụ việc.
Theo ông Trương Quốc Dụng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Krông Pa, các lâm tặc đã lợi dụng các cán bộ kiểm lâm, nhân viên Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Ba bị cách ly bởi dịch SARS-CoV-2 nên đã khai thác gỗ trái phép.