Nghiên cứu mới phát hiện nguyên nhân tổ tiên loài người thời kỳ đồ đá sống sót bằng chế độ ăn thịt đã chuyển sang ăn rau.
Nghiên cứu mới của các nhà khoa học của đại học Tel Aviv, Israel – đã tái tạo chế độ dinh dưỡng của loài người thời kỳ đồ đá bằng cách kiểm tra 400 bài báo khoa học từ các ngành khác nhau về sinh học, di truyền, trao đổi chất, sinh lý và hình thái của tổ tiên loài người thời cổ đại.
Theo kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nhân chủng học vật lý Mỹ, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng con người vốn là các ”hypercarnivores” – thuật ngữ chỉ loài động vật chuyên ăn thịt với khẩu phần thịt lên tới 70% – trong khoảng 2 triệu năm. Chỉ đến khi xảy ra tình trạng tuyệt chủng của các loài động vật lớn hơn mới dẫn đến thay đổi chế độ ăn của tổ tiên loài người.
Sự suy giảm nguồn thức ăn động vật vào cuối thời kỳ đồ đá, từ 80.000 đến 40.000 năm trước, khiến con người ăn nhiều rau hơn và ít thịt hơn.
Sự thay đổi này tiếp tục diễn ra cho đến khi các tổ tiên đầu tiên của loài người cuối cùng đã không còn lựa chọn nào khác ngoài việc thuần hóa cả thực vật và động vật – đánh dấu việc trở thành nông dân, nhóm nghiên cứu của Israel cho biết.
Tiến sĩ Miki Ben-Dor và các đồng nghiệp tham gia nghiên cứu bắt đầu điều tra xem liệu con người thời kỳ đồ đá là động vật ăn thịt chuyên biệt hay họ là động vật ăn tạp nói chung bằng cách kiểm tra bộ nhớ lưu lại trong cơ thể con người – gồm trao đổi chất, di truyền và cấu trúc cơ thể.
”Hành vi của con người thay đổi nhanh chóng, nhưng quá trình tiến hóa lại chậm hơn và cơ thể chúng ta ghi nhớ lại điều đó”.
Tiến sĩ Ben-Dor giải thích, một ví dụ nổi bật về sự thay đổi tiến hóa chậm là nồng độ axit trong dạ dày của con người: “Việc tiết ra và duy trì tính axit mạnh đòi hỏi một lượng lớn năng lượng, và sự tồn tại của nó là bằng chứng cho thấy việc tiêu thụ các sản phẩm động vật”.
Nhóm nghiên cứu cho biết, một dấu hiệu khác của việc ăn thịt là cấu trúc của các tế bào mỡ trong cơ thể chúng ta. Ở động vật ăn thịt, bao gồm cả con người, số lượng tế bào mỡ nhiều hơn rất nhiều so với động vật ăn tạp.
Theo Tiến sĩ Ben-Dor: “Bằng chứng quan trọng cho sự tiến hóa loài người với tư cách là những kẻ săn mồi cũng đã được tìm thấy trong bộ gene của chúng ta”.
Bằng chứng về mặt sinh học của con người, được bổ sung thêm bằng các bằng chứng khảo cổ học, cho phép nhóm nghiên cứu của Israel phác họa một bức tranh rộng hơn về chế độ ăn uống của loài người thời kỳ đồ đá.
Nhiều nhà khoa học nghiên cứu về sự tuyệt chủng của các loài động vật lớn – thức ăn của con người thời kỳ đó – đồng ý rằng việc săn bắt của con người đóng một vai trò chính trong sự tuyệt chủng này.
“Rõ ràng, xương của các loài động vật lớn được tìm thấy trong vô số các địa điểm khảo cổ là kết quả của “sự chuyên môn cao của con người về săn bắt” – Tiến sĩ Ben-Dor nói.
Nhóm nghiên cứu xác định, thực vật chỉ trở thành thành phần chính trong chế độ ăn uống của con người vào cuối kỷ nguyên.
Cụ thể, việc tiêu thụ thực vật tăng dần đã xảy ra vào khoảng 85.000 năm trước ở Châu Phi và 40.000 năm trước ở Châu Âu và Châu Á.
Họ đã sử dụng những biến đổi gen ở người và sự xuất hiện của các công cụ bằng đá độc đáo phục vụ việc chế biến thực vật để đưa ra kết luận này.
Giáo sư Ran Barkai, người tham gia nghiên cứu, nhận định: ”Đối với nhiều người ngày nay, chế độ ăn uống thời kỳ đồ đá cũ là một vấn đề quan trọng, không chỉ liên quan đến quá khứ, mà còn liên quan đến hiện tại và tương lai”.
Ông cho rằng, tuyên bố con người là động vật ăn thịt đỉnh cao trong suốt quá trình phát triển là cơ sở cho những hiểu biết cơ bản về sự tiến hóa sinh học và văn hóa của loài người.