Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, đến nay, 100% làng nghề trên địa bàn TP đều có cam kết và phương án bảo vệ môi trường. Mặc dù vậy, kết quả thực hiện Đề án bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn Hà Nội đến năm 2020, định hướng 2030 vẫn cho thấy nhiều vấn đề đáng lo ngại.
Qua điều tra, khảo sát thực tế, lấy mẫu phân tích các thông số quan trắc để đánh giá, phân loại mức độ ô nhiễm, Sở NN&PTNT Hà Nội xác định toàn TP hiện vẫn còn 33 làng nghề ô nhiễm nước nghiêm trọng, 19 làng nghề ô nhiễm. Đối với môi trường không khí, có 1 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng và 4 làng nghề bị ô nhiễm.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, trong số 19 tiêu chí nông thôn mới, tiêu chí số 17 (môi trường và an toàn thực phẩm) là tiêu chí khó, cần nhiều nguồn lực và biện pháp chỉ đạo. Đối với bài toán ô nhiễm môi trường làng nghề, thực tế đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng vẫn còn những tồn tại cần khắc phục.
Một trong những khó khăn hiện nay đối với bảo vệ môi trường làng nghề, theo ông Tường là các hộ sản xuất nằm trong khu dân cư có diện tích chật hẹp, hoạt động không thường xuyên, có tính chất thời vụ.
Do đó, chưa quan tâm đến vấn đề xử lý môi trường. Việc di dời các hộ sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi khu vực dân cư cũng gặp nhiều khó khăn do các hộ dân thiếu kinh phí để thuê nhà xưởng tại các cụm, điểm công nghiệp làng nghề…
Đại diện Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, để giải quyết bài toán môi trường làng nghề, tiến tới các cần quy hoạch, tổ chức, phân bố lại sản xuất bảo đảm phù hợp với tính chất đặc thù của từng loại hình sản xuất. Tiếp tục huy động đầu tư từ nguồn xã hội hóa cho công tác bảo vệ môi trường làng nghề…
Cùng với đó, công tác truyền thông về bảo vệ môi trường nông thôn ở các cấp huyện, xã cần được chú trọng, tiến hành thường xuyên; hình thức thông tin tuyên truyền cũng cần đa dạng hơn. Đặc biệt, các sở ngành, địa phương có làng nghề cần nghiên cứu, thực hiện chế tài xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường làng nghề để tạo sức răn đe…