Theo Hiệp hội Du lịch golf Việt Nam, cả nước có 75 sân golf đã đi vào hoạt động, chưa kể hàng chục sân golf khác đang được đầu tư xây dựng. Sắp tới dự kiến có cả trăm sân golf được xây dựng, thì tương lai, những mối nguy về môi trường sẽ ập đến. Việc xây dựng sân golf ở các địa phương như trở thành phong trào, dường như chỉ tính lợi ích trước mắt mà thiếu sự cân nhắc khoa học.
Có thể nói, sau khi Nghị định số 52/2020/NĐ-CP về đầu tư xây dựng và kinh doanh sân golf có hiệu lực thi hành từ ngày 15/6/2020, đã có nhiều địa phương, DN lợi dụng một số quy định chưa chặt chẽ. Cụ thể một trong những quy định về nguyên tắc đầu tư xây dựng và kinh doanh sân golf dễ “ăn điểm” là: Hoạt động đầu tư xây dựng và kinh doanh sân golf nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, dịch vụ, du lịch, thể thao; đáp ứng nhu cầu đa dạng hóa hình thức vui chơi, giải trí, phát triển thể lực, sức khỏe cộng đồng. Dựa vào điểm này, nhiều địa phương đã kiến nghị Chính phủ cho cấp phép đầu tư dự án sân golf. Vậy là chỉ trong vòng 2 năm gần đây, Việt Nam có thêm 35 sân golf. Dự kiến, trong những năm tới sẽ có cả trăm sân golf nữa đi vào hoạt động.
Trước thực trạng này, không ít chuyên gia chỉ ra rằng, sân golf đang bị trục lợi, biến tướng khi chủ dự án lợi dụng việc cho phép sử dụng 10% tổng diện tích đất xây dựng các công trình phục vụ hoạt động sân golf như xây khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng phục vụ mục đích kinh doanh. Dẫu vậy, việc này còn có thể tự sửa chữa được, nhưng hệ lụy từ môi trường thì khó mà giải quyết. Bởi theo tính toán của giới khoa học, khi sân golf đi vào hoạt động, cỏ trên sân phải được tưới nước thường xuyên. Một sân golf 18 lỗ tiêu thụ khoảng 5.000m3 nước/ngày, tương đương lượng nước sinh hoạt cho 2.000 gia đình và sự “khát nước” này có thể gây hậu quả nghiêm trọng. Trung bình mỗi năm một sân golf sử dụng 1,5 tấn hóa chất, trong đó có axit silic, ôxit nhôm và ôxit sắt – các tác nhân có tiềm năng gây bệnh nguy hiểm. Hóa chất ngấm xuống đất và nguồn nước ngầm khiến người dùng nước có thể bị nhiễm độc và rối loạn chức năng hệ thần kinh trung ương…
Các nhà đầu tư luôn tuyên bố, việc xây dựng sân golf sẽ đem tiềm năng phát triển kinh tế địa phương, nhưng thực tế ít lợi ích mang lại không nhiều, mà phần lớn về tay các nhà đầu tư. Người mất nhiều nhất chính là dân địa phương khi đất ruộng bị thu hẹp, môi trường bị ô nhiễm, vấn đề lao động, việc làm bấp bênh… Trước thực trạng này, giới chuyên gia khuyến cáo, tình trạng ồ ạt xin cấp phép sân golf cần được rà soát lại, chỉ nên cấp phép cho những địa phương có lợi thế về du lịch nghỉ dưỡng đầu tư sân golf để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.
Đô thị hóa tất sẽ có những cuộc chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp. Thời gian gần đây, nhiều địa phương trên cả nước xảy ra tình trạng “sốt” đất. Hàng loạt văn bản của cơ quan quản lý Nhà nước được ban hành để ngăn chặn tình trạng này, song cho đến nay vẫn chưa chấm dứt, mà sự thật thì đất “sốt ảo” còn tiền bỏ ra mua là “thật”. Dự báo, rồi đây sẽ có không ít người “ngã ngửa” bởi “tiền mất, tật mang”. Và cuộc chuyển đổi đất nông nghiệp, lâm nghiệp sang đất sân golf thì ở quy mô lớn hơn và hệ lụy cũng vậy. Việc này cần tính toán cẩn trọng lại, trước khi quá muộn.