Hàng trăm khối cát có thành phần, đặc điểm “lạ” so với vật liệu đầu vào đã được nghiệm thu chở tới dự án khác để đắp nền dự án làm đường. Doanh nghiệp thi công dự án này cũng là đơn vị trúng thầu nạo vét âu thuyền.
Ngày 9-4, ông Huỳnh Minh Khang, Giám đốc Ban Quản lý Khu vực phát triển đô thị tỉnh Thừa Thiên – Huế, xác nhận đã cùng với đơn vị tư vấn giám sát lập biên bản hiện trường đối với các nhà thầu thi công gói thầu số 14 dự án đường Chợ Mai – Tân Mỹ (huyện Phú Vang, Thừa Thiên – Huế) sau khi phát hiện khối lượng lớn cát “lạ” được chở tới đây đắp nền.
Trước đó, Báo Người Lao Động có bài Trục lợi từ dự án nạo vét âu thuyền phản ánh cát nạo vét ở đây có dấu hiệu chở trái phép ra ngoài, trong đó nghi vấn chở tới dự án đường Chợ Mai – Tân Mỹ để đắp nền.
Theo đó, Ban Quản lý Khu vực phát triển đô thị tỉnh Thừa Thiên – Huế đã lập biên bản hiện trường đối với Công ty CP xây dựng và thương mại Thiên Phát Thịnh; Công ty TNHH xây dựng tổng hợp Minh Đạt và nhà thầu phụ của đơn vị này là Công ty CP xây dựng và thiết bị tổng hợp Nam Á.
Trong biên bản, đại diện các nhà thầu cũng ký thừa nhận rằng “có một số khối lượng cát có thành phần, màu sắc khác với cát đã được nghiệm thu vật liệu đầu vào. Loại cát “lạ” có màu trắng lẫn vỏ sò”. Vì vậy yêu cầu các nhà thầu tạm ngưng tập kết cát, đồng thời cung cấp hồ sơ chứng minh nguồn gốc, mỏ khai thác để tiến hành lấy mẫu thí nghiệm các tiêu chí cơ lí của vật liệu đầu vào.
Theo ông Khang, tại hiện trường có khoảng 400 m3 cát “lạ” được chở tới, trong đó có 200 m3 đã đưa vào san lấp đắp nền, số còn lại vừa được các xe đổ xuống công trường nhưng chưa kịp san gạt.
Tiếp đó, đến ngày 6-4 Ban Quản lý Khu vực phát triển đô thị tỉnh Thừa Thiên – Huế tiếp tục kiểm tra tại hiện trường nhưng các đơn vị thi công không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ của các khối “cát” lạ này. Do đó, tư vấn giám sát yêu cầu đơn vị thi công ngừng tập kết và nhanh chóng đưa loại cát này ra khỏi phạm vi công trình.
Ông Trần Đình Nghĩa, giám sát trưởng của Ban Quản lý dự án Chợ Mai – Tân Mỹ, cho biết qua làm việc thì đơn vị thi công cũng thừa nhận có chở cát từ bãi tập kết nạo vét của dự án nâng cấp khu neo đậu tránh trú bão xã Phú Hải.
Việc sử dụng cát “lạ”, không rõ nguồn gốc, khác với vật liệu đầu vào đã kiểm duyệt cho thấy các nhà thầu đã có hành vi “làm ăn gian dối”. Nghiêm trọng hơn, họ có dấu hiệu cho thấy lấy trộm cát nạo vét của dự án âu thuyền ở vùng nước lợ. Vấn đề đặt ra là các doanh nghiệp này làm cách nào để hợp thức hóa, biến cát “lậu” thành cát có hóa đơn đầu vào khi trình hồ sơ lên chủ đầu tư dự án Chợ Mai – Tân Mỹ để thanh lý hợp đồng?
Và điều trùng hợp là Công ty TNHH xây dựng tổng hợp Minh Đạt cũng là một trong 2 nhà thầu liên danh trúng thầu thi công ở âu thuyền Phú Hải. Doanh nghiệp này đảm nhận thi công nạo vét 150.000 m3 cát tại âu thuyền, trong khi nhà thầu liên danh là Công ty Cổ phần Xây dựng 68 Hà Tĩnh thi công các hạng mục xây dựng.
Vậy, lượng cát chở trái phép ra khỏi dự án nạo vét âu thuyền Phú Hải là bao nhiêu? Ai chở, bán với giá bao nhiêu? Trách nhiệm quản lý thuộc về ai? Đó là những câu hỏi mà dư luận đang chờ chủ đầu tư dự án là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên – Huế trả lời.
Xin gia hạn vì chậm tiến độ
Dự án nâng cấp khu tránh trú bão Phú Hải được tổ chức đấu thầu vào ngày 7-12-2020 với hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước. Liên danh nhà thầu Minh Đạt – 68 Hà Tĩnh vượt quan Công ty TNHH xây dựng và tư vấn Tường Minh và Công ty TNHH xây dựng tổng hợp Thắng Lợi để trúng thầu với giá gần 27,217 tỉ đồng, thấp hơn giá gói thầu được duyệt 60 triệu đồng. Hiện chủ đầu tư đang làm tờ trình xin Thủ tướng điều chỉnh dự kiến hoàn thành vào ngày 31-12. Nguyên nhân chậm tiến độ được giải thích do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid – 19 và thiên tai triền miên xảy ra cuối năm 2020. Ghi nhận cho thấy việc nạo vét tạm ngưng gần 10 ngày nay. |