Xưa kia, dân cư thưa thớt nhưng tài nguyên thiên nhiên kể cả vùng miền núi, đồng bằng lại vô cùng phong phú để nuôi sống con người. Tuy vậy, người dân lại khai thác những nguồn lợi đó rất hợp lý và họ luôn nêu cao ý thức bảo vệ các nguồn lợi này nhằm tạo sinh kế lâu dài và bền vững.
Chẳng hạn, đối với người miền núi, trong tập quán làm nương rẫy, người ta biết giữ độ phì cho đất bằng cách làm luân canh trên mỗi mảnh nương. Nghĩa là, sau khi trồng cấy xong một vụ, bà con thường để đất đồi nghỉ từ một đến hai năm rồi mới làm lại. Không bao giờ người dân phát trọc cả quả đồi để trồng cấy, mà họ luôn giữ lại rừng già ở trên chỏm đồi để chống mưa bào mòn đất và giữ ẩm cho canh tác cây trồng. Người xưa cũng có những quy định bất thành văn hoặc luôn răn dạy con cháu “không được ăn tiệt lộc”.
Bởi thế, khi đi hái lượm những loài rau, củ, quả làm thức ăn, hái cây thuốc về trị bệnh cho người và vật nuôi, không bao giờ họ khai thác triệt để mà phải để lại gốc, nhánh cho cây tiếp tục sinh sôi. Gặp cây non chưa để được giống thì chừa lại; cây nào có quả đã già hạt thì họ vừa khai thác vừa lấy hạt gieo ra xung quanh; hoặc những cây có thể giâm được cành thì phải chặt cành giâm lại cho phát triển nhiều hơn.
Đặc biệt, đối với các loại cây thuốc, cho dù là của hiếm hay có nhiều thì người dân cũng chỉ lấy vừa đủ dùng chứ không lấy tham lam, bởi họ có quan niệm rằng, nếu tham lam thì dược liệu thu về sẽ không hiệu nghiệm; lấy hết phần của người khác, lấy triệt gốc là một việc làm thất đức. Thậm chí, họ còn thêu dệt nên những câu chuyện mang tính tâm linh để răn dạy con cháu. Chẳng hạn, nếu người nào tham lam quá, ma rừng, hà bá sẽ làm cho gặp phải rủi ro, hoặc bị che mắt mà không thấy đường về…
Trong hoạt động săn bắt cũng vậy, họ cũng đặc biệt nêu cao ý thức bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên. Chẳng hạn, khi đi vào khe núi bắt cua, cá hễ gặp con cua cái hay cua đang mang bụng đầy con, đầy trứng là họ thả lại chứ không bắt. Gặp dấu chân muông thú đi thành luồng mà có những dấu nhỏ xíu đi cùng thì người đặt bẫy hay phường săn tự nhủ cần cẩn trọng để tránh làm hại thú mẹ khiến cho thú con chết theo vì không được mẹ nuôi dưỡng. Ai lỡ săn bắt được con vật đang có chửa thì họ rất lấy làm ăn năn, vì mình đã lỡ phạm vào những việc “phải tội”.
Quan niệm của người xưa cho rằng các loài muông thú, cá tôm đều là của sơn thần, thủy thần nuôi dưỡng và con người cũng được dùng những thứ đó, nhưng không được phép làm những điều “phải tội”. Bởi thế, khi ai đã mắc dính điều “phải tội” là họ thường phải làm lễ mời thầy mo cúng sám hối, giải hạn và xin được sơn thần, hà bá xá tội. Sau khi làm lễ thì người đó tự mình sẽ kiêng không đi săn bắt trong cả tháng đó hoặc có người cẩn thận thì cả mùa săn sẽ không vào rừng sâu săn thú lớn mà chỉ đi câu cá quanh suối, đi săn, đi bẫy những thú nhỏ ở bìa rừng như chồn, sóc, chuột, gà rừng làm thức ăn qua ngày.
Nhiều nơi, vào mùa muông thú sinh đẻ (tầm giữa thu) hay thường được gọi là “mùa thú rừng động ổ” là dân làng cấm rừng không cho ai săn bắt. Các sông, suối, ao hồ khi bước vào tiết tháng Hai, tháng Ba âm lịch, hễ nhìn thấy mặt trời khi sắp lặn có màu đỏ ối là bà con biết ngay đây là độ các loài cá, tôm đang “tức trứng” chỉ cần có mưa rào đổ xuống là quẫy đẻ.
Đến tầm tháng Tám (giữa thu) cũng là mùa của một số loài cá đẻ nước hai (đẻ lần thứ hai trong năm). Bởi vậy, dân làng thường định lệ không ai được chài lưới gây hại đến tôm, cá sinh sôi. Ai phạm phải những điều cấm kỵ trong săn bắt hay chài lưới sẽ bị phạt nặng theo lệ làng.
Những quan niệm hay hành động bảo vệ tài nguyên thiên nhiên của người xưa rất đáng để cho mỗi chúng ta hôm nay cùng nhau suy ngẫm về một nét nhân văn trong giá trị văn hóa truyền thống, để tiếp tục phát triển thành hệ văn hóa ứng xử bền vững, truyền tỏa trong giai đoạn hiện nay, khi nguồn tài nguyên thiên nhiên xung quanh ta đang bị hủy hoại nặng nề từ chính sự vô thức của con người.