Florida đã trải qua một mùa đông tương đối ấm áp, báo hiệu mùa hè sẽ có nhiều muỗi và chim chóc kiếm mồi hơn. Nếu lịch sử lặp lại, có khả năng các ca nhiễm virus Tây sông Nile (West Nile virus) sẽ tăng lên trong năm nay, đặc biệt ở vùng rìa ngoại ô ban đêm bị ô nhiễm ánh sáng từ các thành phố lân cận.
Nghiên cứu do các nhà khoa học ở trường ĐH Nam Florida (USF) mới công bố là nghiên cứu đầu tiên cung cấp bằng chứng trực tiếp cho thấy ô nhiễm ánh sáng đang đẩy nhanh tốc độ lan truyền các bệnh truyền nhiễm trong tự nhiên. Trước đó, nhóm nghiên cứu đã xác định muỗi và chim chóc bị ánh sáng thu hút khiến nguy cơ lây truyền virus Tây sông Nile từ các loài này sang động vật và con người tăng lên đáng kể. Phát hiện mới “Light pollution affects West Nile virus exposure risk across Florida” (Ô nhiễm ánh sáng ảnh hưởng đến virus Tây sông Nile dẫn đến nguy cơ rủi ro phơi nhiễm khắp Florida) đã được công bố trên tạp chí Proceedings of the Royal Society B. Nó đã chỉ ra kết quả trái ngược với những nghiên cứu trước đây cho rằng nguyên nhân lây lan virus nằm ở việc đô thị hóa với mật độ dân số cao và những điểm nóng chăn nuôi như hệ thống cống rãnh.
“Trước đó, chúng tôi đã biết rằng ô nhiễm ánh sáng ảnh hưởng đến hoạt động hệ miễn dịch của vật chủ”, Meredith Kernbach, tác giả đứng đầu và hiện đang làm nghiên cứu sinh ở Trường Y tế cộng đồng (USF) cho biết. “Tuy nhiên, chúng tôi vẫn không biết rằng ô nhiễm ánh sáng có thể tác động đáng kể tới thời gian và địa điểm virus Tây sông Nile xuất hiện trong tự nhiên”.
Nhóm nghiên cứu bao gồm các cộng sự đến từ ĐH Georgia và ĐH Bách khoa bang California đã lập mô hình dữ liệu phơi nhiễm virus Tây sông Nile từ Sở Y tế Florida. Họ nghiên cứu 6468 mẫu kháng thể của các “gà lính canh” (sentinel chicken) – vùng nông thôn thường sử dụng những con gà này để dò virus Tây sông Nile và những bệnh do muỗi gây ra. Các mẫu này được thu thập từ tháng 6 đến tháng 12 trong vòng bốn năm ở 105 trang trại trên toàn bang. Các nhà nghiên cứu thấy rằng hầu hết ca nhiễm virus Tây sông Nile rơi vào những con gà bị phơi nhiễm ánh sáng mức độ yếu, so với những con ở khu vực ô nhiễm ánh sáng cường độ cao và khu vực không bị ô nhiễm.
“Chúng tôi nghĩ rằng trọng điểm ở đây là mức độ ánh sáng yếu vì ô nhiễm ánh sáng có rất nhiều phương thức tác động để tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh dịch”, Marty Martin, Giáo sư về sinh thái dịch bệnh ở Trung tâm nghiên cứu bệnh truyền nhiễm và y tế toàn cầu (USF) cho biết. “Dựa trên những công trình trước đây, chúng tôi biết rằng ô nhiễm ánh sáng ảnh hưởng đến đáp ứng miễn dịch của chim chóc với virus Tây sông Nile, nhưng có lẽ cũng tác động đến lượng muỗi, vì phần lớn côn trùng đều bị ánh sáng thu hút. Thậm chí các loài chim cũng có thể bị thu hút đến những vùng ô nhiễm ánh sáng vì thức ăn ở đó sẽ dồi dào hơn. Có lẽ tất cả những yếu tố trên kết hợp với nhau đã khiến nguy cơ lây nhiễm tăng lên ở những khu vực bị ô nhiễm ánh sáng nhẹ”.
Nhiều sở y tế ở các hạt địa phương đã sử dụng gà canh gác như một cơ chế giám sát để theo dõi virus Tây sông Nile và các bệnh truyền nhiễm khác do muỗi gây ra. Chúng thường không bị bệnh do virus và không thể truyền virus sang muỗi, người hoặc các loài chim khác. Các hạt đã tính toán đặt chuồng trại ở những khu vực có tính đại diện tốt nhất cho dân số địa phương, góp phần xác định đúng địa điểm cần nỗ lực ngăn chặn lây lan dịch bệnh.
Những kết quả này cũng củng cố một nghiên cứu từ năm 2019 của USF cho thấy việc phơi nhiễm với ánh sáng nhân tạo làm tăng thời gian truyền nhiễm bệnh của các loài chim hoang dã, đồng thời tăng khả năng bùng phát virus Tây sông Nile thêm 41%.