Ngày 01/4/2021, UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành Chỉ thị số 8/CT-UBND về một số giải pháp cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn trên địa bàn.
Thời gian qua, công tác quản lý chất thải rắn nói chung và chất thải rắn sinh hoạt nói riêng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã đạt được một số kết quả nhất định. Cơ sở hạ tầng các dự án xử lý ô nhiễm, bảo vệ môi trường từng bước được quan tâm đầu tư, mạng lưới hợp tác xã, tổ đội vệ sinh môi trường ở các địa phương ngày càng được mở rộng và phát triển về số lượng cũng như chất lượng. Nhận thức của cộng đồng về vai trò trách nhiệm trong hoạt động bảo vệ môi trường ngày càng được nâng cao, nhất là ở các địa phương đạt chuẩn nông thôn mới, công tác xã hội hóa trong thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đã đạt được một số kết quả quan trọng.
Đây là kết quả thể hiện sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của các cấp, các ngành, cùng với sự nỗ lực, quyết tâm của các địa phương, đơn vị và của toàn thể nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ xử lý rác thải, bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong quá trình tổ chức thực hiện vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục như: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong quản lý chất thải rắn ở một số địa phương chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, đặc biệt là ở cấp xã; cơ sở hạ tầng xử lý chất thải rắn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế, đặc biệt là chất thải rắn công nghiệp và chất thải xây dựng; nhận thức về bảo vệ môi trường, sự quan tâm động viên, khuyến khích; ý thức trách nhiệm trong thu gom, xử lý rác thải của một bộ phận hộ gia đình, cá nhân và tổ chức còn hạn chế; sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chưa chặt chẽ; việc xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu xử lý chất thải rắn, đặc biệt là xử lý chất thải rắn công nghiệp, chất thải xây dựng chưa được quan tâm đúng mức…
Để khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác quản lý chất thải rắn hiện nay; chủ động phòng ngừa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tạo bước chuyển biến căn bản trong công tác quản lý chất thải rắn, góp phần triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 41/CT-TTg ngày 01/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình yêu cầu:
Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả nội dung Chỉ thị 35-CT/TU, ngày 08/10/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Quảng Bình; Quyết định 03/2018/QĐ-UBND, ngày 29/01/2018 của UBND tỉnh ban hành Quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Quảng Bình; Quyết định 3126/QĐ-UBND, ngày 19/9/2018 của UBND tỉnh về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Quảng Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Chỉ thị 16/CT-UBND ngày 23/9/2020 của UBND tỉnh về tăng cường công tác quản lý và giảm thiểu chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh Quảng Bình; Kế hoạch 1260/KH-UBND ngày 30/7/2019 của UBND tỉnh thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa” trên địa bàn tỉnh Quảng Bình; Công văn 1215/UBND-TNMT ngày 23/7/2019 của UBND tỉnh về việc phát động phong trào “Ngày toàn dân thu gom rác thải” trên địa bàn tỉnh Quảng Bình và các văn bản, quy định liên quan; đảm bảo tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt chung trên toàn tỉnh đạt trên 78% trong năm 2021.
Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương liên quan, các cơ quan truyền thông tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường nói chung và công tác thu gom, xử lý chất thải rắn nói riêng. Đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra về trách nhiệm quản lý chất thải rắn ở cấp huyện, cấp xã, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, các tổ chức cá nhân hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn; kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm theo đúng quy định của pháp luật. Phối hợp với Sở Xây dựng hướng dẫn UBND cấp huyện thực hiện việc đóng cửa các bãi rác đã được UBND tỉnh phê duyệt. Tham mưu UBND tỉnh cải tạo, nâng cấp một số bãi rác nhằm đáp ứng nhu cầu tiếp nhận và xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định.
UBND tỉnh Quảng Bình giao Sở Xây dựng, hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát cơ sở hạ tầng thu gom, vận chuyển, trung chuyển, xử lý chất thải rắn phù hợp với các quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt và Quyết định số 3126/QĐ-UBND ngày 19 tháng 9 năm 2018 của UBND tỉnh về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Quảng Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Tăng cường quản lý chặt chẽ nội dung hạ tầng kỹ thuật về điểm tập kết, rà soát bổ sung, điều chỉnh quy hoạch, bố trí điểm tập kết trạm trung chuyển, cơ sở xử lý chất thải rắn trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt các quy hoạch, các dự án đầu tư xử lý chất thải rắn theo thẩm quyền.
Đối với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chỉ đạo các địa phương nghiêm túc thực hiện các tiêu chí về môi trường trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, không được đầu tư lò đốt không phù hợp với quy định tại QCVN 61-MT:2016/BTNMT về lò đốt chất thải rắn sinh hoạt. Chỉ đạo thực hiện có hiệu quả và tăng cường giám sát việc thu gom các bao bì đựng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, phân bón sau sử dụng trong nông nghiệp.
UBND các huyện, thị xã, thành phố, chịu trách nhiệm toàn diện về vấn đề phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải trên địa bàn; bố trí đủ kinh phí hàng năm của địa phương hỗ trợ cho việc quản lý rác thải, đảm bảo phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải phát sinh trên địa bàn đúng quy định. Chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền nâng cao nhận thức về vệ sinh môi trường cho cộng đồng, các cơ sở sản xuất kinh doanh với các nội dung, hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với từng đối tượng; gắn với quản lý trật tự đô thị, trồng và bảo vệ cây xanh, khắc phục tình trạng mất vệ sinh nơi công cộng, đường phố, khu dân cư; phối hợp và phát huy vai trò của các Hội, đoàn thể trong công tác tuyên truyền. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường theo thẩm quyền.
Chủ tịch UBND cấp xã chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND cấp huyện nếu để địa phương mình xảy ra tình trạng vứt rác thải, đổ rác thải không đúng nơi quy định ảnh hưởng đến mỹ quan dân cư, gây ô nhiễm môi trường. Định kỳ 6 tháng báo cáo về UBND cấp huyện kết quả thực hiện hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn trên địa bàn để tổng hợp.