Quốc gia này sẽ liên kết với Mỹ và châu Âu trong việc loại bỏ carbon.
Theo Nikkei Asian Review, chính phủ Nhật đang xem xét việc chấm dứt hỗ trợ xuất khẩu các nhà máy nhiệt điện than để “bắt kịp” sự dẫn đầu của Mỹ và châu Âu về khử cacbon.
Điều này đánh dấu sự thay đổi trong chiến lược của Tokyo, vốn dĩ luôn xem các nhà máy điện là trụ cột trong nỗ lực thúc đẩy xuất khẩu cơ sở hạ tầng.
Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga sẽ thảo luận về hợp tác khử cacbon trong cuộc gặp đầu tiên với Tổng thống Mỹ Joe Biden vào đầu tháng tới. Họ có kế hoạch công bố sáng kiến của mình trong hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu do Mỹ dẫn đầu, sẽ tổ chức vào ngày 22.4.
Theo đó, Nhật chỉ hỗ trợ các dự án điện than ở nước ngoài bằng các khoản vay từ Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật khi đáp ứng một số điều kiện nhất định, chẳng hạn như dự án sử dụng thiết bị tiên tiến với lượng phát thải khí nhà kính thấp hơn so với các nhà máy thông thường. Đồng thời, quốc gia đối tác có cam kết áp dụng chính sách chuyển dịch khỏi cacbon. Một nhà máy điện than mới thường hoạt động trong khoảng nửa thế kỷ. Vốn dĩ, Nhật đã bị cộng đồng quốc tế phản đối về hoạt động xuất khẩu trong lĩnh vực điện than do họ hạn chế phát thải khí nhà kính trong dài hạn. Điều này đã thúc đẩy chính quyền Suga đưa ra các điều kiện hiện tại đối với xuất khẩu thiết bị điện than vào tháng 7 năm ngoái.
Áp lực đối với Nhật ngày càng tăng với sự nhậm chức của Tổng thống Biden, người xem biến đổi khí hậu là ưu tiên hàng đầu. Đặc phái viên của Tổng thống Biden về khí hậu, cựu Ngoại trưởng John Kerry, đã kêu gọi Bộ trưởng Môi trường Shinjiro Koizumi chấm dứt hỗ trợ của chính phủ Nhật cho các dự án than ở nước ngoài.
Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng đã thúc ép Nhật chấm dứt sự ủng hộ như vậy.
Lập trường của Nhật về than từ lâu đã bị các nhà đầu tư nước ngoài chỉ trích với lý do nó đi ngược lại các nỗ lực chống biến đổi khí hậu. Các chính phủ nước ngoài, chủ yếu là Mỹ và các quốc gia châu Âu, đã tham gia nỗ lực cắt giảm carbon.
Chính phủ Suga đã quyết định chấm dứt hỗ trợ cho các dự án than, vì họ coi việc khử cacbon là một trụ cột trong chiến lược tăng trưởng của mình.
Các dự án than mới đã lần lượt được khởi động trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, khách hàng chính cho thiết bị điện than của Nhật. Than là nguồn của hơn 40% sản lượng điện được tạo ra trong khối vào năm 2019.
Các nước đang phát triển phải đối mặt với gánh nặng tài chính để xây dựng các nhà máy sản xuất điện cần thiết cho tăng trưởng kinh tế. Do đó, các quốc gia công nghiệp hóa và các tổ chức cho vay quốc tế cần phải đưa ra cách hỗ trợ các nền kinh tế mới nổi để họ có thể đạt được tăng trưởng kinh tế và khử cacbon.
Nhật mạnh về công nghệ trộn amoniac với than để giảm phát thải khí nhà kính từ các nhà máy điện than. Theo một kịch bản có thể xảy ra, Nhật sẽ nhận được các khoản tín dụng carbon để cung cấp các công nghệ như vậy cho các nhà máy điện hiện có ở các nền kinh tế mới nổi.
Quốc gia này sẽ cần sửa đổi chiến lược cơ sở hạ tầng xuất khẩu tập trung vào các nhà máy điện. Các cuộc đàm phán để xuất khẩu các nhà máy điện hạt nhân sang các nước như Thổ Nhĩ Kỳ và Anh đã thất bại. Một khi Nhật rút khỏi than đá, họ có ý định tập trung vào các nguồn năng lượng tái tạo như gió.