Công bố mới của nhà nghiên cứu Maywa Montenegro de Wit (Đại học California Santa Cruz) trên tạp chí The Journal of Peasant Studies cho thấy các yếu tố tiềm ẩn trong hệ thống lương thực đã thúc đẩy sự bùng nổ của đại dịch Covid-19 và nhiều dịch bệnh nguy hiểm khác, như cúm lợn, cúm gia cầm và Ebola.
Các nghiên cứu của Montenegro de Wit thường tập trung vào chủ đề giao thoa giữa sinh thái nông nghiệp, chủ quyền lương thực và công nghệ sinh học. Tuy nhiên trong năm vừa rồi, cô đã thực hiện một dự án mới để nghiên cứu vai trò của hệ thống lương thực trong đại dịch và khám phá xem các bài học từ phong trào bãi nô có thể giúp định vị sinh thái nông nghiệp và đem đến những thay đổi như thế nào. “Năm ngoái, tất cả chúng ta đều trải qua một loạt tình trạng đặc biệt: đại dịch Covid-19, sự nổi lên về vấn đề chủng tộc, sự thừa nhận trên diện rộng về bạo lực có tính hệ thống đối với người Mỹ da đen, người da màu và người nghèo”, Montenegro de Wit nhận định. “Tôi thấy rõ ràng có sự giao thoa giữa phong trào bãi nô và các phong trào xã hội về sinh thái nông nghiệp và chủ quyền lương thực. Nó đã thôi thúc tôi thử ráp nối tất cả các mảnh ghép này lại với nhau”.
Quá trình công nghiệp hóa nông nghiệp dẫn đến sự xâm lấn vào môi trường sống và làm mất đi các vùng đệm tự nhiên vốn giúp con người ngăn chặn các mầm bệnh từ động vật hoang dã. Trong khi đó, mật độ vật nuôi dày đặc trong các nhà máy và chuồng trại thiếu vệ sinh lại khiến cho dịch bệnh lây truyền nhanh chóng hơn. Đồng thời, việc thay thế môi trường sống với những cây trồng độc canh cũng làm giảm đa dạng sinh học.
Thêm vào đó, sự tập trung quyền lực trong hệ thống lương thực hiện nay làm cho các chuỗi cung ứng trở nên dễ bị tổn thương còn các tập đoàn thì có thể dễ dàng bóc lột nhân công. Đại dịch Covid-19 đã phơi bày hai hiện tượng ấy, và những người da màu chính là cộng đồng dễ bị ảnh hưởng nhất bởi sự mất an ninh lương thực và điều kiện làm việc không an toàn.
Montenegro de Wit cho rằng, đã đến lúc phải có một cách tiếp cận khác đối với hệ thống lương thực, và Covid-19 nên là một hồi chuông cảnh tỉnh toàn cầu. “Tôi hi vọng mọi người sẽ nhận thức được, Covid-19 không phải là đại dịch cuối cùng mà chỉ là một trong rất nhiều đại dịch có thể diễn ra trong tương lai”, cô nói. “Chúng ta phải thay đổi hoàn toàn mô hình sản xuất, không chỉ ở Mỹ mà trên toàn thế giới, để ngăn chặn các đại dịch tiếp theo”.
Nông nghiệp sinh thái có thể đem giải pháp cho vấn đề này. Các phương án như trồng đa canh, xen canh có thể giúp tăng cường sự đa dạng của các loại cây trồng; gia súc, gia cầm cũng có thể được nuôi ngay trên đất theo những phương thức có lợi về mặt sinh thái. Các chiến lược phát triển sinh thái nông nghiệp sẽ giúp thúc đẩy đa dạng sinh học, từ đó khiến các mầm bệnh khó lây truyền qua các quần thể hơn.
Để thúc đẩy các loại hình sản xuất lương thực như vậy sẽ đòi hỏi phải có những hệ thống quyền lực cố định. Do vậy, Montenegro de Wit đã tìm đến các phong trào về sự công bằng giữa các chủng tộc và phong trào bãi bỏ từ các cuộc đấu tranh chống lại tổ hợp nhà tù – công nghiệp (prison-industrial complex). “Nông nghiệp sinh thái sẽ gặp nhiều khó khăn để trở thành phương thức sản xuất thực phẩm chủ đạo, trừ khi chúng ta thực sự nghiêm túc với việc bãi bỏ các tổ hợp nông nghiệp – công nghiệp”, cô nói. “Cần loại bỏ các tổ hợp nông nghiệp – công nghiệp đi, nếu không thì sẽ không thể phát triển được các giải pháp thay thế”.
Montenegro de Wit cho rằng, có một bài học quan trọng mà các nhà sinh thái nông nghiệp nên học hỏi từ những người theo chủ nghĩa bãi nô: nhận ra điểm khác biệt giữa sự thay đổi cấu trúc thực sự với những điều chỉnh đơn thuần nhằm duy trì trạng thái hiện tại. Theo quan điểm của cô, nông nghiệp sinh thái vẫn còn những lỗ hổng trong việc thừa nhận một cách rõ ràng tác động của phân biệt chủng tộc trong các hệ thống lương thực, tuy nhiên điều đó đang thay đổi, và cô hi vọng những nghiên cứu của mình sẽ là một phần dẫn đến những thay đổi đó.