Diện tích rừng ngày càng bị thu hẹp đe dọa nghiêm trọng tới môi trường sống, khi “lá phổi xanh” đang bị tàn phá mỗi ngày. Việc con người hủy hoại gần 70% diện tích rừng nhiệt đới nguyên sinh trên thế giới làm trầm trọng thêm tình trạng biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học.
Các thảm rừng nhiệt đới nguyên sinh, vốn được coi là “vùng đệm tự nhiên” ngăn biến đổi khí hậu, đang nhanh chóng biến mất bởi các hoạt động tàn phá của con người. Theo tổ chức phi lợi nhuận Rainforest Foundation Norway, trong giai đoạn 2002 – 2019, tổng số diện tích rừng bị mất đi ước tính lớn hơn diện tích của nước Pháp. Trong khi theo nghiên cứu khác của Viện Tài nguyên thế giới, tính trung bình, cứ sáu giây, diện tích rừng tương đương một sân bóng đá bị biến mất.
Tổng Thư ký LHQ A.Gu-tê-rét nhấn mạnh mỗi năm, thế giới mất 4,7 triệu héc-ta rừng, lớn hơn cả diện tích của nước Đan Mạch. Dữ liệu của Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên hoang dã (WWF) cho thấy, chỉ 29 “điểm nóng” tại Nam Mỹ, châu Phi và Đông – Nam Á đã chiếm 50% tổng diện tích rừng bị tàn phá trên toàn cầu.
Nông nghiệp không bền vững là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới những khu rừng xanh bị biến mất. Diện tích rừng rất lớn đang tiếp tục bị tàn phá hằng năm, chủ yếu phục vụ nông nghiệp quy mô lớn. Những khu vực đa dạng sinh thái đã bị phát quang để lấy chỗ canh tác và chăn nuôi. Ngoài việc làm suy thoái 30% diện tích rừng, việc khai thác gỗ và chuyển đổi đất, chủ yếu cho nông nghiệp, đã xóa sổ tới 34% diện tích rừng nhiệt đới nguyên thủy của thế giới, khiến diện tích rừng còn lại đứng trước nguy cơ tiếp tục bị tàn phá trong tương lai.
Rừng A-ma-dôn của Bra-xin là khu vực chịu áp lực rất lớn trong những thập kỷ qua khi phát triển nông nghiệp bùng nổ. Theo nghiên cứu của Mạng lưới thông tin môi trường – xã hội tham chiếu địa lý vùng A-ma-dôn (RAISG), khoảng 8% diện tích khu rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới này đã bị tàn phá từ năm 2000 đến 2018. Diện tích rừng bị tàn phá hằng năm tăng gấp ba lần trong giai đoạn 2015 – 2018.
Với khoảng 60% diện tích rừng A-ma-dôn nằm tại Bra-xin, Viện Nghiên cứu Không gian quốc gia Bra-xin (INPE) cho biết, số vụ cháy rừng tại quốc gia Nam Mỹ này đã tăng 12,7% trong năm 2020, mức cao nhất trong thập kỷ vừa qua. Sau A-ma-dôn ở Nam Mỹ, các đảo Đông – Nam Á, phần lớn thuộc In-đô-nê-xi-a, đứng thứ hai về tình trạng tàn phá rừng kể từ năm 2002, với phần lớn diện tích khu rừng bị chặt phá để làm đồn điền dầu cọ. Trung Phi đứng thứ ba, với phần lớn diện tích bị tàn phá tập trung chung quanh lưu vực sông Công-gô, do khai thác gỗ và chăn nuôi.
Các nhà khoa học đã cảnh báo về hệ lụy của tình trạng phá rừng đối với môi trường sống của các loài động, thực vật hoang dã. Rừng bao phủ một phần ba diện tích đất liền trên Trái đất và là nơi cư trú của 80% các loài động, thực vật hoang dã trên cạn. Trong khi đó, khoảng 90% những người nghèo nhất thế giới sống phụ thuộc vào tài nguyên rừng. Tổng Thư ký Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) khẳng định, rừng có vai trò môi trường quan trọng và cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho hàng triệu người. Nhiều cộng đồng dựa vào rừng để kiếm kế sinh nhai cũng như bảo đảm an ninh lương thực rộng lớn, điều hòa khí hậu và ổn định nền kinh tế toàn cầu. Thảm thực vật nhiệt đới rậm rạp đóng vai trò như một hồ chứa các-bon lớn nhất cho nên diện tích rừng mất đi là tác nhân chính khiến lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính gia tăng, làm nhiệt độ Trái đất nóng lên.
Rừng xanh đã lên tiếng “kêu cứu” trước tình trạng bị tàn phá bởi các hoạt động của con người. LHQ và các cơ quan bảo vệ môi trường thiên nhiên kêu gọi thế giới cần có kế hoạch giúp hài hòa giữa bảo vệ rừng, bảo tồn sinh cảnh của động, thực vật hoang dã với mang lại hiệu quả kinh tế – xã hội cho người dân. Thúc đẩy các mô hình và biện pháp quản lý rừng và động thực vật hoang dã phù hợp con người, bảo tồn các hệ sinh thái rừng và đa dạng sinh học là việc làm cần thiết và cấp bách.