Tây Nguyên mới bước vào giai đoạn đầu của những tháng mùa khô nhưng đã có hàng nghìn người dân tại xã Đắk R’la, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông bị thiếu nước sinh hoạt. Nước trở nên khan hiếm, người dân phải sắp lịch chờ đợi, bỏ số tiền gần 100 nghìn đồng mới mua được 1m3 nước. Nhiều gia đình có điều kiện khó khăn phải tái sử dụng nước để phục vụ cuộc sống…
Những ngày đầu mùa khô của Tây Nguyên, chúng tôi về xã Đắ R’La, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông chứng kiến cảnh người dân xếp lượt để mua nước phục vụ nhu cầu sinh hoạt. Tại thôn 2, thôn 3 và một bộ phận người dân thôn 5 người dân phải mua mỗi thùng nước khoảng 2,5m3 với giá 200 nghìn đồng.
Qua tìm hiểu, người dân ở đây cho biết, do nước khan hiếm nên khi mua được phải sử dụng hết sức tiết kiệm. Đối với nhà đông người và có điều kiện về kinh tế thì mỗi thùng nước có thể sử dụng trong khoảng ba ngày. Đa số người dân đều phải tiết kiệm, sử dụng nước hạn chế để đủ sinh hoạt từ 4-6 ngày. Nhiều khi hết nước cũng không có nước để mua vì nước khan hiếm, người cung cấp nước không chở kịp nên gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống, nhất là đối với gia đình có con nhỏ và người lớn tuổi.
Bà Trần Thị Bích Phượng, thôn 5, xã Đắk R’la cho biết, nhiều tháng nay gia đình phải mua nước sinh hoạt thường xuyên. Do các con đã lớn, đều công tác xa nhà, hiện tại gia đình chỉ còn hai vợ chồng, nguồn thu nhập thấp nhưng không dám chi tiêu, phải dành dụm tiền để mua nước sinh hoạt. Để tiết kiệm nước, hằng ngày gia đình phải tái sử dụng nước để tưới cho các loại cây trồng quanh nhà.
Ông Nguyễn Văn Hảo, một người dân chuyên chở nước sinh hoạt đến bán cho người dân trong vùng cho biết, tình trạng thiếu nước sinh hoạt tại địa phương đã diễn ra liên tục nhiều năm nay, có những năm người dân phải chịu cảnh “khát” nước gần sáu tháng mùa khô.
Nhiều người dân đã bỏ ra số tiền lớn để khoan giếng với hy vọng có nước để cải thiện đời sống nhưng rồi tiền mất tật mạng, có hộ khoan nhiều giếng tốn hàng trăm triệu đồng nhưng giếng vẫn không có nước. Gia đình ông Hảo may mắn khi khoan được giếng trúng mạch nước ngầm nên có nguồn nước sử dụng quanh năm; vào thời kỳ cao điểm mùa khô, do người dân thiếu nước sinh hoạt nên gia đình bơm nước đi bán, mỗi ngày thu được khoảng từ 3-4 triệu đồng.
Do tình trạng thiếu nước sinh hoạt kéo dài, nhiều gia đình có điều kiện đầu tư từ 40 – 50 triệu đồng để khoan giếng. Mỗi giếng khoan có độ sâu từ 120 – 150m nhưng đa số vẫn không có nước sinh hoạt. Một số giếng có nước nhưng cũng rất ít, không bảo đảm, chỉ sử dụng được một thời gian ngắn, đến cao điểm mùa khô giếng lại cạn kiệt.
Điển hình là gia đình bà Phạm Thị Vân, thôn 3, đã đầu tư 40 triệu đồng để khoan giếng, với độ sâu 150m. Nguồn nước từ giếng khoan này lại không đáng kể, để bơm được một bồn nước có thể tích 1m3, gia đình phải đợi khoảng hai ngày mới đầy nước. Dù nguồn nước ít nhưng bà Vân vẫn là người may mắn hơn so với nhiều hộ khác trong vùng. Cũng theo bà Vân, lượng nước bơm được chỉ để tiết kiệm sử dụng trong lúc chờ đến lượt mua nước, tiết kiệm được một phần chi phí, còn nước sinh hoạt chủ yếu vẫn phải mua vì gia đình có đông người.
Thôn 2, xã Đắk R’la có 365 hộ dân, tỷ lệ hộ thiếu nước sinh hoạt chiếm khoảng 2/3 tổng số hộ trong thôn. Trong số này, có khoảng 30 hộ đầu tư khoan giếng lấy nước sinh hoạt. Tuy nhiên, chỉ có hai hộ may mắn khoan trúng mạch nước ngầm nên mới có nước sử dụng thường xuyên.
Ông Trương Công Khánh, thôn trưởng thôn 2 cho biết, trên địa bàn của thôn có ba giếng khoan được Nhà nước đầu tư để cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân. Tuy nhiên, nhiều năm nay cả ba giếng khoan này đều trong tình trạng bỏ hoang vì giếng không có nước.
Qua rà soát của UBND xã Đắk R’la, toàn xã hiện có khoảng 500 hộ, với hơn 1.500 nhân khẩu đang thiếu nước sinh hoạt thường xuyên, chủ yếu tập trung ở thôn 2; 3 và 5, chiếm khoảng 15% tổng dân số toàn xã.
Phó Chủ tịch UBND xã Đắk R’la Ngô Quang Văn cho biết, nguyên nhân thiếu nước sinh hoạt là do các thôn trên có địa hình cao, nằm xa nguồn nước. Xã Đắk R’la chỉ có một công trình cấp nước sạch tập trung ở thôn 7, nên không thể cung cấp đủ nước cho các địa bàn ở xa. Mặt khác, thổ nhưỡng tại thôn 2, thôn 3 phía dưới chủ yếu là đá tổ ong, do đó nhiều giếng khoan dù sâu tới 160m nhưng vẫn không chạm được mạch nước ngầm.
Cũng theo ông Văn, trước mắt, để phục vụ nhu cầu sinh hoạt, người dân phải tự mua nước của những hộ dân khác. Còn phía chính quyền xã sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân sử dụng nước tiết kiệm.
Về giải pháp lâu dài, xã Đắk R’la phải xây dựng công trình đập nước Đắk Gang ở giáp ranh với xã Đắk Gằn để tạo nguồn nước, hoặc xây dựng trạm bơm nước ở đập Đô Ri 2, tại thôn 5, nhằm cung cấp cho nhân dân thôn 2, thôn 3. Tuy nhiên, nguồn kinh phí để đầu tư xây dựng là rất lớn, ngoài tầm của địa phương. Do đó, rất mong các cấp, các ngành sớm quan tâm đầu tư để người dân trên địa bàn có nước sinh hoạt, tưới tiêu cho cây trồng, góp phần ổn định đời sống cho nhân dân, phát triển kinh tế của địa phương.