Cuối tháng trước, một dịch bệnh bùng phát ở Tây Ban Nha làm ngựa đua bị ốm hàng loạt, nhiều con yếu đến mức không thể đứng vững và nhiều con thể hiện hành vi hung dữ bất thường.
Ít nhất 17 con ngựa đã chết kể từ đó; những con khác thì cần phẫu thuật để điều trị tổn thương nội tạng.
Giới nuôi ngựa đang chuẩn bị cho những diễn biến tiếp theo của dịch bệnh.
Nguyên nhân gây ra đợt bùng phát này là một mầm bệnh đã biết, virus herpes loại 1 (EHV-1). Nhưng trước khi các nhà nghiên cứu kịp xác định mầm bệnh ở Tây Ban Nha, khoảng 600 con trong số 750 con ngựa đua tham gia một cuộc đua ngựa quốc tế ở nước này đã được chuyển về quê nhà, có nguy cơ gây ra đợt bùng phát EHV nghiêm trọng nhất ở châu Âu trong nhiều thập kỷ trở lại đây.
Nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan, Liên đoàn Quốc tế về Thể thao Cưỡi ngựa (FEI), cơ quan giám sát các cuộc thi đấu cưỡi ngựa quốc tế, đã hủy tất cả các sự kiện thể thao sử dụng ngựa ở châu Âu – bao gồm cả World Cup – ít nhất cho đến giữa tháng Tư.
Đối với giới khoa học, đợt bùng phát này đặt ra một loạt câu hỏi: tại sao EHV-1, một loại virus quen thuộc thường chỉ gây ra các triệu chứng nhẹ, lại đang gây ra các triệu chứng đặc biệt nghiêm trọng, đặc biệt là trên ngựa cái; và liệu bản thân thuốc hoặc vaccine chống lại EHV-1 có thể là nguyên nhân đằng sau đợt bùng phát hay không.
Các nhà nghiên cứu cho biết, điều kiện môi trường tại những cuộc đua kéo dài cả tháng rất thích hợp cho EHV-1 bùng phát. Con đường lây lan chính là qua các giọt bắn, trong khi đàn ngựa được nhốt trong những chuồng chật cứng, và “chỉ cần một con ngựa mang virus, nó sẽ bắt đầu lây nhiễm,” Lutz Goehring, chuyên gia về bệnh ở ngựa ở Đại học Ludwig Maximilian Munich, cho biết.
Theo Ana Velloso Álvarez, một bác sĩ thú y có mặt tại cuộc đua, cho biết chỉ trong thời gian ngắn, bệnh viện ngựa ở Đại học CEU Cardenal Herrera gần đó nhanh chóng bị quá tải. Các bác sĩ kiệt sức vì phải điều trị cùng lúc cho 20 con vật, nhiều con không tự đứng được, mạng sống trong tình trạng “ngàn cân treo sợi tóc”.
Các nghiên cứu phát hiện, gần như tất cả các con ngựa ở đó đã tiếp xúc với ít nhất một trong năm chủng virus chính của EHV-1, và động vật một khi đã tiếp xúc có thể sẽ mang virus ở trạng thái bất hoạt trong nhiều năm. Khi virus hoạt động thường gây sốt và bệnh hô hấp nhẹ, đôi khi làm ngựa sảy thai. Một biến thể đặc biệt đáng lo ngại của EHV-1, được gọi là loại 1, có thể gây tổn thương thần kinh nghiêm trọng, khiến ngựa loạng choạng hoặc không thể đứng vững và có thể gây tử vong.
Hầu hết các đợt bùng phát chỉ ảnh hưởng đến một số ít ngựa và chỉ có dưới 15% số ngựa nhiễm bệnh bị tổn thương thần kinh. Nhưng lần này ở Valencia có tới 40% số ngựa bị bệnh có dấu hiệu tổn thương thần kinh, Álvarez nói. Và thêm một vấn đề khác thường đối với đợt bùng phát EHV-1 lần này: mỗi con ngựa đều gặp phải các triệu chứng khác nhau. Một số con bị đông máu ở ruột và cần phải phẫu thuật. Những con khác bị sưng chân, đi lại như say rượu hoặc có hành vi bất thường. “Hoàn toàn khác với những ca nhiễm EHV-1 quen thuộc”, Álvarez nói.
Giải trình tự gen cho thấy đợt bùng phát không phải do một chủng EHV-1 mới gây ra. Vì thế các nhà nghiên cứu đang cố gắng tìm hiểu xem đâu là các yếu tố đang khiến mầm bệnh này trở nên nghiêm trọng hơn. Có thể là do ngựa phải di chuyển quá nhiều, Barbara Padalino, nhà khoa học về ngựa tại Đại học Bologna, lý giải. “Một số con ngựa mất tới 3 ngày để di chuyển đến cuộc và những chuyến đi dài như vậy có thể là tác nhân gây căng thẳng rất lớn”. Các nghiên cứu gần đây của nhóm của cô đã chỉ ra, chỉ sau một chuyến đi kéo dài 12 giờ, hệ miễn dịch chống lại EHV-1 của ngựa đã bị giảm.
Álvarez cho biết, khoảng 80% các ca bệnh nghiêm trọng nhất ở Valencia liên quan đến ngựa cái. Một số nhà nghiên cứu tự hỏi liệu các loại thuốc được sử dụng để ngăn chặn chu kỳ sinh sản của ngựa cái – thường được dùng vì một số người cưỡi ngựa tin rằng nó giúp dễ thuần ngựa hơn – có thể đã góp phần gây bệnh. Một loại thuốc phổ biến, altrenogest, dựa trên hormone sinh dục progesterone, đã được chứng minh làm suy yếu chức năng miễn dịch, Christine Aurich, bác sĩ phụ khoa về ngựa tại Viện Graf Lehndorff ở Đức, lưu ý.
Các nhà nghiên cứu cũng đang xem xét vaccine EHV-1, từng có thành tích ngăn ngừa EHV-1 ở ngựa và cần được tiêm nhắc lại mỗi 6 tháng. Theo Göran Åkerström, giám đốc thú y của FEI, nhiều con ngựa nhiễm bệnh đã được tiêm phòng, và các nghiên cứu trước đây gợi ý rằng ngựa có thể có nguy cơ mắc các triệu chứng thần kinh cao hơn trong vài tuần sau khi tiêm phòng.