Thất bại trong giải quyết những vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu có thể khiến thế giới thiệt hại khoảng 1.700 tỷ USD vào giữa thập kỷ này và tăng lên khoảng 30.000 tỷ USD vào năm 2075.
Khảo sát được công bố ngày 30/3 do Đại học New York (Mỹ) thực hiện với sự tham gia của 738 nhà kinh tế học cho thấy thế giới nên hành động ngay lập tức và quyết liệt để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
Derek Sylvan, một trong những người tham gia khảo sát cho biết, các nhà kinh tế dường như đã đạt được mức độ đồng thuận cao về tầm quan trọng kinh tế của các biện pháp ứng phó biến đổi khí hậu.
Để tránh nguy cơ biến đổi khí hậu thảm khốc, các nhà khoa học cho biết, thế giới cần đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Có 2/3 ý kiến cho rằng, chi phí đầu tư cho mục tiêu toàn cầu này sẽ lớn hơn các lợi ích kinh tế, bao gồm ngăn ngừa thiên tai, bảo tồn cơ sở hạ tầng và tài sản ven biển, cũng như bảo vệ nguồn cung lương thực.
Hầu hết các nhà kinh tế cho biết tình trạng biến đổi khí hậu trong 5 năm vừa qua đã trở nên đáng lo ngại hơn. Lý do phổ biến nhất là sự gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan gần đây, bao gồm cháy rừng và các đợt nắng nóng.
Theo Văn phòng Giảm nhẹ rủi ro thiên tai của Liên hợp quốc, thế giới đã chứng kiến hơn 7.300 thiên tai lớn từ năm 2000 đến năm 2019, khiến khoảng 1,2 triệu người thiệt mạng và gây thiệt hại 3.000 tỷ USD. Những con số này đã tăng mạnh so với dữ liệu tương tự thời điểm 20 năm trước, với khoảng 4.200 thảm họa, dẫn đến 1,19 triệu người thiệt mạng và 1.600 tỷ USD thiệt hại.